Do đó, có thể nói cuốn tiểu thuyết này chiếm giữ vị trí quan trọng trong văn nghiệp ông. Nó mang tất cả những đặc trưng văn chương đã, đang và sẽ xuất hiện trong toàn bộ di sản của nhà văn người Na Uy này.
Tình yêu và trải nghiệm mất mát
Cuốn sách gồm 3 phần, vừa có thể đọc một cách độc lập nhưng cũng có thể kết nối với nhau. Như Fosse chia sẻ: "Cả 3 phần của Ba màn kịch đều là những vũ trụ độc nhất. Nhưng đồng thời chúng cũng được kết nối. Đó chính là điều tạo nên một cuốn tiểu thuyết".
Nó bắt đầu với cặp nhân vật Alida và Asle – những người không có chỗ nương thân sau khi mang thai và 2 gia đình đều không còn ai để mà nương tựa. Ở tuổi 17, họ bị đuổi khỏi căn lán nằm bên bờ biển mà Asle đã ở cùng cha, trước khi ông mất tích trên biển và mẹ qua đời.
Bằng chiếc thuyền của người sở hữu căn lán, họ đến thị trấn biển Bjørgvin mà không thể biết điều gì đang chờ đợi mình. Trong mùa thu với mưa, tuyết và cái lạnh, họ gõ cửa từng nhà nhưng không một ai cho họ bước vào. Bằng thức ăn và tiền lấy cắp từ nhà mẹ Alida và nỗ lực của Asle, họ đã vào nhà của một mụ đỡ già và sinh thành công con trai của mình.
Cuốn sách tiếp tục với câu chuyện của Olav và Åsta – một cặp rất giống hai nhân vật trên. Vào một ngày nọ, Olav bảo với vợ mình sẽ phải chuyển nhà. Sau đó anh ra ngoài, hứa sẽ trở về mặc vợ ngăn cản. Hóa ra linh cảm của Åsta đúng, Olav không xuất hiện nữa. Điều gì xảy ra với anh, và Åsta sẽ phải sống tiếp ra sao?
Ở tác phẩm này, Fosse đã xoáy rất sâu vào tình yêu và những hệ lụy của nó. Nó vừa là thứ nâng đỡ, tạo sự đồng cảm giữa 2 nhân vật trong cuộc đời côi cút, nhưng cũng có thể tạo ra hàng loạt hành động không thể kiểm soát, từ sai lầm này đến sai lầm khác.
Với Fosse, có cảm giác như những cảm xúc thiêng liêng nhất chỉ có thể hoàn toàn bộc lộ khi chúng vụn vỡ, mất đi phần nào. Nếu ở Ánh sáng trắng, nhân vật chính chỉ cảm thấy có sự kết nối với bố mẹ, với chính bản thân trong khoảnh khắc cận tử giữa khu rừng lớn không có một ai… thì trong Ba màn kịch, Alida cũng chỉ có thể cảm nhận rõ nhất cảm xúc đó khi Olav (hay Asle) giờ đã đi mất.
Khi cả hai còn gần nhau, cô thấy được sự gần gũi vì tiếng đàn của anh gần giống với tiếng nói của cha mình: "Khi anh đàn em nghe ba em hát". Đó là tương tác gần như gián tiếp, ít nhiều mang theo ẩn ức của tuổi ấu thời. Thế nhưng khi phải tiếp tục sống tiếp vì Asle đã không trở về nữa, thì tình yêu đó giờ đã trở thành kim chỉ nam, đã bay lên trời và hóa thân thành khúc nhạc hay nhất mà cô được nghe để nhìn, quan sát và chia sẻ với cô.
Điều này, như Fosse nói, rất gần với trải nghiệm cận tử mà ông trải qua. Chắc hẳn khi từng cảnh đời được tái hiện trong khoảnh khắc chênh vênh giữa hai bến bờ, người ta mới thật sự cảm nhận được tình cảm dành cho nhau. Và Ba màn kịch đã thể hiện rõ điều vừa nói trên. Nó không chỉ được biểu hiện riêng về vật chất, mà còn là những suy tư và sự chiêm nghiệm khi ta đào sâu vào nội tâm mình.
Vị nghệ thuật và vị nhân sinh
Cũng từ chính cái chết ấy, giá trị hiện thực của tác phẩm này cũng đã hiện lên một cách khác biệt. Chẳng phải xét cho đến cùng, Asle hay Olav mất đi đều xuất phát từ sự thờ ơ và định kiến đầy rẫy của mọi người đó sao? Nếu như con người có sự đồng cảm và biết sẻ chia, thì các bi kịch đã không xảy ra.
Điều này cũng càng khẳng định phương châm sáng tác không riêng cho ai mà là cho cả nhân loại của Jon Fosse. Đó chính là tính hiện thực, và tuy được ẩn giấu, nhưng qua tác phẩm đã khiến người đọc không ngừng suy ngẫm.
Nổi tiếng là một tác giả có phong cách sáng tạo độc đáo, Ba màn kịch cũng được viết ra bằng thứ văn xuôi không có mở đầu, không có kết thúc. Những độc thoại nội tâm mang tính phủ định được Fosse đặt bên cạnh nhau vô cùng sáng tạo, từ đó mô phỏng lại sự phân vân, hoang mang, hoài nghi... của các nhân vật.
Dòng thời gian cũng được tinh chỉnh đặc biệt, để quá khứ và tương lai xen lẫn với thực tại, nơi cái trường tồn của nỗi đau vẫn tồn tại. Fosse đã tiến hành giải cấu trúc và sử dụng dòng thời gian phi tuyến tính, từ đó khiến cho mạch truyện mơ hồ, không rõ ràng. Nó cũng phản ánh phần nào đúng thể trạng của các nhân vật mà không cần phải tuân theo cấu trúc truyền thống.
Ngoài ra, tính bản địa với những tên gọi quen thuộc, với những hành động lặp đi lặp lại như nhóm lò sưởi, nằm trên ghế dài, ngắm nhìn ra xa xuyên qua cửa sổ… hay miêu tả Na Uy với biển, với vịnh hẹp hoặc những ngọn núi xa xa tít mờ… cũng quay trở lại. Điều này là một đặc trưng rất Jon Fosse, khi ông kết hợp một cách hài hòa giữa nghệ thuật viết hiện đại và các tình tiết có phần truyền thống.
Có thể nói, Ba màn kịch là một tác phẩm vô cùng đậm nét của Jon Fosse. Bằng nghệ thuật viết sáng tạo, câu chuyện trung tâm kinh điển về tình yêu, tội ác và trừng phạt đã được thể hiện một cách khác biệt, mang ta đến với cảm thức chiêm nghiệm và thôi thúc muốn được hiểu thấu tâm can của mình.