Cả 2 HLV tiền nhiệm ngay trước khi HLV Kim Sang-sik (người Hàn Quốc) nắm đội tuyển Việt Nam, gồm các ông Park Hang-seo (người Hàn Quốc) và Philippe Troussier (người Pháp), đều khiến truyền thông Việt Nam tốn nhiều giấy mực, theo những cách khác nhau.
HLV Philippe Troussier thất bại, nhưng ngay cả trong thất bại của vị HLV người Pháp, vẫn thấy một số điểm sáng, ví dụ như việc ông Troussier giúp bóng đá Việt Nam phát hiện, bồi dưỡng cho những Thái Sơn, Đình Bắc, Phan Tuấn Tài.
Những cầu thủ này được cựu HLV đội U.23 Việt Nam là ông Hoàng Anh Tuấn dành lời khen. HLV Park Hang-seo thành công, nhưng ngay cả trong thành công của ông Park, vẫn có nhược điểm, nhất là ở giai đoạn cuối ông Park cầm quân ở đội tuyển Việt Nam, đội bóng của vị HLV người Hàn Quốc này được cho là đã không còn yếu tố mới, cả về lối chơi lẫn nhân sự.
Điều này khiến cho đội tuyển Việt Nam lẫn đội tuyển U.23 Việt Nam trong những năm tháng cuối thời HLV Park Hang-seo dễ bị bắt bài, ngay cả khi chúng ta đối đầu với các đội bóng yếu ở Đông Nam Á. Thành ra, không thể phủ nhận sạch trơn những gì HLV Troussier làm cho đội tuyển Việt Nam, dù trải qua thất bại, cũng không thể rập khuôn phong cách của HLV Park Hang-seo, dù ông Park có giai đoạn lên đến tột đỉnh thành công.
HLV Kim Sang-sik cần có phong cách của riêng mình, cần có góc nhìn riêng. Đấy cũng là những gì mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và người hâm mộ Việt Nam chờ đợi ở ông Kim Sang-sik, chứ tuyển người mới về mà người mới rập khuôn người cũ thì đi tìm người mới, đi tìm cái mới để làm gì?
Không có thế hệ cầu thủ nào gọi là hoàn hảo
Ngay trong cách sử dụng nhân sự ở đội tuyển Việt Nam cũng vậy, chuyên gia Đoàn Minh Xương bình luận: “Thế hệ cầu thủ từng thành danh dưới thời HLV Park Hang-seo đúng là chưa quá già, nhưng cũng đã có người trong số này đã chạm ngưỡng, không còn phát triển lên được nữa. Một số khác không cho thấy khát khao cống hiến, có lẽ do họ đã quá no nê danh hiệu, đã đủ đầy những yếu tố tạm gọi là thành công (danh hiệu, tiền tài, danh vọng…).
Thế hệ U.23 dưới thời HLV Troussier có triển vọng, nhưng chưa đủ tầm để gánh vác trọng trách ở các giải đấu lớn. Các cầu thủ U.23 của HLV Troussier cần có sự bổ sung và dìu dắt của các đàn anh để trưởng thành hơn”.
Có nghĩa là không có thế hệ cầu thủ nào hoàn hảo tuyệt đối, lực lượng của đội tuyển quốc gia phải có sự kết hợp và sự dung hòa của nhiều nguồn, nhiều thế hệ cầu thủ khác nhau, tùy vào từng thời điểm sử dụng con người, cũng như tùy vào phong độ của những con người ấy. Sử dụng cầu thủ theo phong độ, có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố (sức trẻ, kinh nghiệm, thể lực, kỹ thuật…), kết hợp giữa các thế hệ, tập hợp những tinh hoa của nền bóng đá, mới là cách vận hành đội tuyển quốc gia đúng nghĩa.
Đấy là chưa kể những “sao mai” khác vừa được một nhân vật nữa rất tâm huyết với bóng đá Việt Nam là HLV Hoàng Anh Tuấn phát hiện và vun đắp trong thời gian gần đây, như tiền vệ Võ Hoàng Minh Khoa, trung vệ Lê Nguyên Hoàng, Lương Duy Cương, tiền đạo Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Văn Trường…
Họ vẫn là những cầu thủ rất có ích cho đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U.23 Việt Nam, nếu họ được sử dụng đúng lúc, đúng cách. Mong rằng HLV Kim Sang-sik sẽ rút ra được hết những bài học của 2 người tiền nhiệm Troussier và Park Hang-seo, không vận hành đội tuyển theo kiểu “lọc máu” triệt để như thời HLV Troussier, cũng không quá cứng nhắc, ít chịu đổi mới như giai đoạn cuối thời HLV Park Hang-seo.
Muốn vậy, vai trò của các trợ lý cho HLV Kim Sang-sik không thể bị xem nhẹ, bởi chính các trợ lý là người theo dõi kỹ nhất hành trình đã qua của cả 2 HLV Troussier lẫn Park Hang-seo, thấy rõ các ưu – nhược điểm của 2 vị HLV ngoại này, trước khi có những tư vấn phù hợp cho HLV Kim Sang-sik. Về mặt này, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương lên tiếng: “Đã đến lúc chúng ta đánh giá kỹ hơn vai trò của các trợ lý. Theo tôi, dưới thời HLV Troussier, các trợ lý không làm tốt công việc của họ”.