Thời gian gần đây, Nga đã tăng cường các đợt tấn công quy mô lớn vào nhiều thành phố lớn của Ukraine. Điều này khiến giới phân tích đặt câu hỏi về ý định và mục tiêu của Nga phía sau các cuộc tấn công này.
Hôm 2/1, Nga đã sử dụng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái tấn công thủ đô Kiev và Kharkov. Các cuộc tấn công tăng cường nhằm vào 2 thành phố lớn nhất Ukraine diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Putin cam kết sẽ “trả đũa” cho vụ tấn công vào thành phố Belgorod của Nga.
Trước đó hôm 29/12, Nga đã tiến hành một trong những cuộc không kích lớn nhất từ trước đến nay, nhằm vào một loạt thành phố của Ukraine, phóng hơn 100 tên lửa và nhiều máy bay không người lái khiến hệ thống phòng không của Ukraine bị áp đảo. Tất cả các cuộc tấn công này đều có sợ thay đổi về mục tiêu và chiến thuật.
Nga thay đổi cả về mục tiêu lẫn chiến thuật
Ukraine chưa từng chứng kiến những cuộc tập kích lớn dồn dập như vậy kể từ khi xung đột nổ ra. Điều này khiến giới phân tích đặt câu hỏi về mục đích của Nga phía sau các động thái nêu trên.
Cuộc tấn công hôm 2/1 kéo dài 6 tiếng đồng hồ tại Kiev. Nga đã triển khai làn sóng máy bay không người lái nhắm vào các mục tiêu ở thủ đô của Ukraine. Không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 35 UAV trong số này. Nhưng ngay sau đó, Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa, sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau nhằm áp đảo và xuyên thủng hệ thống phòng thủ của thành phố. Tên lửa Nga đã tấn công vào trung tâm thủ đô Kiev.
Chuyên gia Oleksandr Musiyenko thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý Quân sự Ukraine cho rằng: “Nga luôn cố gắng tìm ra cách tốt hơn để phá vỡ hệ thống phòng không của chúng tôi và khiến các cuộc tấn công của họ trở nên hiệu quả hơn”. Moscow sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau như tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bắn từ nhiều hướng khác nhau. Những vũ khí này có thể thay đổi hướng bay trên bầu trời khiến lực lượng phòng không Ukraine rất khó đánh chặn.
Ngoài ra, Nga cũng đang thay đổi trọng tâm các cuộc tấn công. Vào ngày 29/12, Moscow nhắm vào cơ sở công nghiệp và kho vũ khí của Ukraine tại nhiều thành phố trên khắp cả nước. Nhưng đến ngày 2/1, Moscow chỉ tập trung vào Kiev và Kharkov. “Nga đã cố gắng tập trung sức mạnh tấn công, chỉ nhắm vào một hoặc 2 thành phố”, ông Musiyenko.
Cách Nga chuẩn bị cho những cuộc tấn công này cũng đang thay đổi. Cơ quan tình báo Ukraine SBU hôm 3/1 cho biết đã phá hiện và vô hiệu hóa “hai camera giám sát trực tuyến” mà họ cho rằng đã bị Nga xâm nhập để theo dõi hệ thống phòng thủ của Kiev và trinh sát các mục tiêu. Vẫn chưa rõ Moscow có thể tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn như vậy trong bao lâu. Le Monde dẫn lời các quan chức Ukraine cho rằng, Nga vẫn còn trong kho dự trữ khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo hoặc hành trình và có thể sản xuất thêm khoảng 100 tên lửa như Kalibrs và Kh-101 mỗi tháng.
Toan tính của Nga
Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho rằng, những cuộc tấn công mới nhất của Nga vào Ukraine là một phần của cuộc chạy đua tấn công-phòng thủ về mặt chiến thuật và công nghệ, nhằm tìm cách thích ứng với tình hình, đặc biệt là trong lĩnh vực tấn công tầm xa và phòng không.
Việc Nga nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine cho thấy nỗ lực nhằm làm suy giảm năng lực quân sự và công nghiệp của đối phương khi chiến tuyến phần lớn tĩnh lặng. “Điều này trái ngược với các cuộc tấn công lớn vào mùa đông năm 2022, khi Moscow chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine”, Bộ Quốc phòng Anh lưu ý.
“Những diễn biến mới kể trên cho thấy sự thay đổi tạm thời về cách tiếp cận trong các cuộc tấn công tầm xa của Nga. Các nhà hoạch định Nga dường như đang nhận ra tầm quan trọng ngày càng gia tăng của năng lực công nghiệp quốc phòng khi họ chuẩn bị cho cuộc chiến tiêu hao kéo dài”.
Economist dẫn nguồn tin từ một quan chức quốc phòng Ukraine cho biết, các cuộc tấn công của Nga chủ yếu nhắm vào các địa điểm liên quan đến việc sản xuất tên lửa và máy bay không người lái. “Chúng có ý nghĩa chiến lược đối với Nga, nhằm mục đích làm giảm khả năng chiên đấu của chúng tôi. Đây là cuộc đọ sức xem bên nào có thể phá hủy được nhiều vũ khí tầm xa của phía bên kia hơn”.
Ukraine đáp trả ra sao?
Ukraine sử dụng tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard do Đức sản xuất để đối phó với máy bay không người lái của Nga, đồng thời điều động tổ hợp tên lửa phòng không Buk có thời Liên Xô để chống lại tên lửa hành trình và triển khai tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất để chống lại tên lửa siêu thanh Kinzhal.
“Chúng tôi chia nhỏ các hệ thống vũ khí của mình để chống lại những mối đe dọa khác nhau. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi phải dựa vào phương Tây để có đủ đạn dược và tăng cường năng lực bảo trì. Sự hỗ trợ đó rất quan trọng”, một quan chức Ukraine cho biết.
Trong bản đánh giá về tình hình chiến sự, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng, Ukraine cũng đang điều chỉnh chiến thuật để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái, nhưng họ cũng cần sự giúp đỡ để tăng cường năng lực phòng không mà Nga đang tìm cách xuyên phá.
“Viện trợ của phương Tây đóng vai trò rất quan trọng vì các lực lượng Nga có thể tiếp tục thử nghiệm những chiến thuật mới để xuyên thủng hệ thống phòng không của Ukraine”, ISW lưu ý. Trong trường hợp phương Tây chấm dứt cung cấp vũ khí cho Ukraine, Nga có thể tận dụng thời cơ mở rộng các cuộc tập kích và đạt được những bước tiến đáng kể kéo dài tới biên giới phía Tây Ukraine với các nước thành viên NATO.
Giới phân tích cũng cho rằng, nếu Mỹ và châu Âu cắt giảm viện trợ, Ukraine có thể sẽ phải hạn chế sử dụng tên lửa phòng không để đối phó Nga. Ngoài ra, Kiev nhiều khả năng phải điều động các hệ thống phòng không từ những khu vực tiền tuyến để bảo vệ các mục tiêu quan trọng và điều đó khiến các đơn vị đang chiến đấu trên mặt trận dễ bị tấn công hơn.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...