“Báo cáo thống kê phát triển sự nghiệp dân chính năm 2023” do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, tính đến cuối năm 2023, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc đạt 297 triệu người, chiếm 21,1% tổng dân số, trong đó số người từ 65 tuổi trở lên đạt 217 triệu người, chiếm 15,4% tổng dân số.
Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2023, tổng cộng 43,344 triệu người cao tuổi trên toàn Trung Quốc đang được trợ cấp người cao tuổi, trong đó có 35,478 triệu người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp tuổi già, 985.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp điều dưỡng, 6,214 triệu người được hưởng trợ cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và 667.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp toàn diện.
Tổng cộng 42,17 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,922 tỷ USD) được chi cho các quỹ phúc lợi người cao tuổi trên toàn Trung Quốc và 22,32 tỷ nhân dân tệ được chi cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Trước đó, tính đến cuối năm 2022, số người từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc là hơn 280 triệu người, chiếm 19,8% dân số. Trong đó, người từ 65 tuổi trở lên đạt 210 triệu người, chiếm 14,9% tổng dân số. Số liệu trên cho thấy dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc tiếp tục gia tăng và tình trạng già hóa dân số diễn ra nghiêm trọng.
Để đối phó với tình trạng già hóa dân số, chính phủ Trung Quốc đã ban hành văn bản chính sách đầu tiên có tên “kinh tế tóc bạc” vào tháng 1 vừa qua, trong đó đề xuất phát triển các sản phẩm công nghệ cao và mô hình dịch vụ chất lượng cao cũng như phát triển 7 ngành công nghiệp tiềm năng phục vụ cho người già.
Theo truyền thông Trung Quốc, quy mô hiện tại của “nền kinh tế tóc bạc” của Trung Quốc là khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 6% GDP của cả nước. Đến năm 2035, quy mô của nền kinh tế này sẽ đạt 30.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 10% GDP của toàn Trung Quốc.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...