Trạm quang điện ở độ cao hơn 5.200 mét so với mặt nước biển tại Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động cuối tuần qua. Đây là trạm điện mặt trời cao nhất trên thế giới hiện nay.
Trạm quang điện cao nhất thế giới này là giai đoạn 2 của dự án Nhà máy lưu trữ quang điện Caipeng Tây Tạng. Nếu như giai đoạn 1 độ cao của trạm quang điện đạt 5.100 mét, thì giai đoạn 2 độ cao lớn nhất lên tới 5.228 mét. Trạm quang điện này đã hòa lưới điện và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 14/12.
Nhà máy quang điện Caipeng có công suất 150 MW và dự kiến sẽ tạo ra 246 triệu kWh điện mặt trời mỗi năm, cung cấp điện cho lưới điện Tây Tạng. Đây là dự án trọng điểm đảm bảo cung cấp điện tại khu tự trị này.
Giai đoạn đầu của nhà máy có công suất 50 MW, đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2023 và sản xuất được hơn 40 triệu kWh điện. Sau khi đưa vào vận hành, giai đoạn 2 dự kiến có thể tạo ra 155 triệu kWh điện xanh mỗi năm, tương đương với việc tiết kiệm 46.800 tấn than và cắt giảm 129.400 tấn carbon dioxide, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khoảng 50.000 hộ gia đình mỗi năm.
Số liệu mới nhất của Hội đồng Điện lực Trung Quốc cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2024, tổng công suất điện mặt trời kết nối với lưới điện của nước này đã đạt 793 triệu kilowatt, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điện mặt trời của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở khu vực miền Đông, miền Trung và miền Tây, trong đó miền Đông và miền Tây chiếm gần 3/4. Điện mặt trời hiện đã chiếm 24,8% tổng công suất điện lắp đặt của nước này, vượt qua điện gió và thủy điện, trở thành nguồn năng lượng lớn thứ hai của Trung Quốc.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...