Tổng thống Nga Putin mong muốn điều gì từ xung đột Ukraine?

20:31 - 19/12/2023

Tổng thống Putin vừa tổ chức cuộc họp báo cuối năm đầu tiên của mình từ khi nổ ra xung đột vũ trang với Ukraine vào đầu năm 2022. Trong sự kiện hôm 14/12/2023, ông Putin nói rằng các mục tiêu của Nga vẫn “không thay đổi” và sẽ không có hòa bình chừng nào Nga chưa đạt được các mục tiêu này.

Trước đó, hôm 10/12 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đã tuyên bố rằng Nga vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu “phi quân sự hóa, phi Quốc xã hóa” Ukraine mà Nga đề ra từ đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Putin kiên định mục tiêu đề ra từ đầu chiến dịch Ukraine

Cho tới nay, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine đã kéo dài được gần 2 năm.

Ông Putin tuyên bố tại buổi họp báo: “Sẽ có hòa bình khi chúng tôi đạt được các mục tiêu… Chiến thắng sẽ thuộc về chúng tôi”.

Đã từ lâu Nga tuyên bố rằng chính quyền Ukraine chịu ảnh hưởng mạnh của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa tân Quốc xã. Trong khi đó, cả Ukraine và phương Tây đều phủ nhận cáo buộc đó từ phía Nga.

Hiện nay Nga đã và đang gắn “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ với cuộc chiến của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II, trước nước Đức Quốc xã. Cách liên hệ như thế này đã thu hút sự ủng hộ của đông đảo người dân Nga đối với cuộc xung đột Ukraine. Tháng 5/2022, Tổng thống Putin phát biểu như sau: “Bảo vệ Tổ quốc luôn là nhiệm vụ thiêng liêng”.

Trong cuộc họp báo giữa tháng 12/2023, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Khát khao không giới hạn về việc tiến sát biên giới chúng ta, đưa Ukraine vào NATO - tất cả những yếu tố này dẫn tới thảm kịch… Họ buộc chúng ta phải hành động. Hoặc là đạt được sự nhất trí, hoặc là chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này bằng vũ lực”.

Trong phát biểu của mình, ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền nước Nga. “Sự tồn tại của đất nước chúng ta mà lại thiếu vắng chủ quyền là điều không thể. Điều đó đơn giản là không tồn tại”.

Ông Putin cho rằng nền kinh tế của Nga vẫn mạnh mẽ trong thời chiến. Tổng thống Putin tự tin tuyên bố nước Nga vẫn có thể “tiến bước” bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế và nỗ lực cô lập chính trị của phương Tây để đáp trả việc Nga đưa quân vào Ukraine.

Hé lộ thông tin về số lượng lính Nga tham chiến ở Ukraine

Trong buổi họp báo, có thời điểm nhà lãnh đạo Nga tiết lộ rằng Nga hiện có tổng cộng 617.000 binh sĩ đang chiến đấu ở Ukraine. Theo ông Putin, trong số này có 300.000 lính nghĩa vụ và khoảng 486.000 người nữa là lính tình nguyện chiến đấu theo hợp đồng.

Tổng thống Putin khẳng định: “Dòng người sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Tổ quốc bằng những vũ khí có trong tay là không suy giảm…. Vì vậy việc gì chúng ta phải động viên trên diện rộng?”.

Một phóng viên chiến trường cho nhật báo tiếng Nga Izvestia có trụ sở ở tỉnh Lugansk đã hỏi ông Putin về thế trận của Ukraine ở tả ngạn sông Dnipro.

Trả lời phóng viên, ông Putin cho rằng thành công quân sự của Ukraine chỉ diễn ra trên “diện hẹp” khi nỗ lực tiến đánh tới bán đảo Crimea. Ông giải thích rằng các lực lượng Nga quyết định rút lui một chút vào khu vực có rừng che phủ nhằm bảo toàn sinh lực. Trong khi đó, ông lý giải động cơ chính của Ukraine khi tổ chức tấn công mạnh vào phòng tuyến Nga là nhằm chứng minh với phương Tây rằng Ukraine đang rất cần viện trợ quân sự. Tổng thống Putin đánh giá rằng động cơ này mang tính chính trị.

Một lần nữa, ông Putin khẳng định lực lượng Nga đang nắm thế thượng phong dọc tiền tuyến ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga phát biểu trong cuộc họp báo kéo dài cuối năm: “Trên thực tế, dọc theo toàn bộ tuyến tiếp xúc, lực lượng vũ trang của chúng ta đang cải thiện tình hình”.

Hiện có ít dịch chuyển trên tiền tuyến Nga - Ukraine. Tuy nhiên, Nga đang đánh mạnh vào 2 thị trấn ở Donetsk, là Mariinka và Avdiivka.

Chính sách đối với Mỹ và EU

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Putin cũng đề cập quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Ông Putin mô tả Mỹ như một nước quan trọng nhưng lại tố nước này thi hành chính sách gây ảnh hưởng toàn cầu. Ông hối thúc Mỹ “tôn trọng các nước và dân tộc khác”, đồng thời cho biết Nga sẵn sàng khôi phục quan hệ song phương một khi Mỹ đạt được điều đó.

Trong cuộc họp báo ngày 14/12, Tổng thống Putin xuất hiện trước khoảng 600 nhà báo, bao gồm khoảng 12 phóng viên thường trú phương Tây. Ngoài ra, ông cũng trả lời các cuộc gọi điện tới của người dân khắp nước Nga. Được biết số lượng câu hỏi được người dân Nga gửi tới Tổng thống Putin vượt quá con số 2 triệu.

Ông Putin nói nhiều về Ukraine nhưng cũng đề cập một số vấn đề khác, như tình hình ở dải Gaza (Palestine) hay tình trạng lạm phát bên trong nước Nga.

Cuối năm ngoái (2022), Tổng thống Nga đã không tổ chức họp báo thường niên này trong bối cảnh quân đội Nga gặp một số khó khăn đáng kể trên chiến trường. Năm này, việc ông Putin nối lại họp báo cuối năm có thể là dấu hiệu cho thấy tình hình chiến trường đang diễn biến theo hướng có lợi cho Nga.

Ngoài ra, buổi họp báo lần này diễn ra trong bối cảnh ông Putitn (71 tuổi) mới tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử Nga năm tới (2024), trong đó ông Putin có khả năng rất cao sẽ tái đắc cử và sẽ tiếp tục nắm quyền cho tới năm 2030.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Ông chủ trường đua - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...