Chính phủ mới thành lập ở Pháp có xu hướng thiên hữu nhất nhưng vẫn bị đảng cực hữu RN chỉ trích. Ngoài ra, liên minh cánh tả tả “Mặt trận bình dân mới” tiếp tục kêu gọi các cuộc biểu tình phản đối tân Thủ tướng Barnier.
Kể từ khi nền Cộng hoà thứ V của Pháp được thành lập năm 1958, Thủ tướng Michel Barnier cũng là người mất nhiều thời gian nhất để xây dựng chính phủ mới. Chính phủ mới tại Pháp cũng được đánh giá là có xu hướng thiên hữu nhất, trong đó nhất là tân bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau với quan điểm cứng rắn đối với vấn đề nhập cư và cũng là một trong các ưu tiên nhiệm kỳ của Thủ tướng Michel Barnier, bên cạnh các hồ sơ lớn khác về ngân sách năm 2025, tinh chỉnh cải cách hưu trí và giải quyết gánh nặng nợ công trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong phản ứng sau khi chính phủ mới được công bố, đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) đã chỉ trích Thủ tướng Michel Barnier đã bổ nhiệm nhiều chính trị gia từng tham gia chính phủ tiền nhiệm và ủng hộ tư tưởng, chính sách mà Tổng thống Emmanuel Macron theo đuổi. Thông qua mạng xã hội X, chủ tịch đảng RN ông Jordan Bardella cho rằng Thủ tướng Michel Barnier đã không đáp ứng kỳ vọng về một sự “thay đổi triệt để” của người dân Pháp và cảnh báo chính phủ mới sẽ “không có tương lai”.
Trong khi đó, liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” tiếp tục kêu gọi các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Michel Barnier. Theo ước tính, hôm qua đã có hàng chục nghìn người tham gia các cuộc tuần hành phản đối trên trên khắp nước Pháp, trong đó đặc biệt là tại thủ đô Paris.
Các nhà phân tích địa bàn nhận định, với phản ứng trái chiều từ phía đảng cực hữu RN vốn được coi là “người phán xử” trong thế chia 3 tại Quốc hội Pháp hiện nay, khả năng Thủ tướng Michel Barnier và chính phủ mới vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trước Quốc hội dự kiến vào đầu tháng 10 tới mà đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” đề xuất ngày càng thu hẹp.
Với thực tế này, chính phủ mới của Thủ tướng Michel Barnier có thể sụp đổ ngay trong lần đầu tiên ra mắt và tiếp tục đẩy nước Pháp lún sâu vào khủng hoảng chính trị.
Trong thành phần chính phủ mới được Văn phòng Tổng thống Pháp công bố, sự thay đổi đáng kể nhất diễn ra ở các vị trí bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Ngoại giao với các gương mặt mới lần lượt là các ông Bruno Retailleau, chủ tịch nhóm các nghị sĩ của đảng bảo thủ “Những người Cộng hoà” (LR) tại Thượng viện và ông Jean-Noël Barrot, phó chủ tịch đảng trung dung MoDem thuộc liên minh ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron.
Chính phủ mới tại Pháp cũng bao gồm nhiều gương mặt từng tham gia các chính phủ tiền nhiệm và được tái bổ nhiệm hoặc được thăng chức dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron như bộ trưởng Quân đội Sébastien Lecornu, bộ trưởng Văn hoá Rachida Dati, bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái và Năng lượng Agnès Pannier-Runacher…
Trong tổng số 39 bộ trưởng, bộ trưởng uỷ nhiệm và quốc vụ khanh nhà nước, Thủ tướng Michel Barnier đã đưa vào chính phủ mới 12 thành viên đến từ đảng “Phục hưng” của Tổng thống Macron và 10 thành viên đến từ đảng bảo thủ LR cánh hữu của chính ông, lực lượng chính trị vốn chỉ có 47 ghế tại Quốc hội Pháp.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...