Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét liệu có nên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga hay không.
Vấn đề có thể được thảo luận trong tuần này khi Tổng thống Ukraine thăm Mỹ và ông dự kiến có cuộc gặp Tổng thống Joe Biden cùng hai ứng viên tổng thống bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.
Các chuyên gia cho biết, những cuộc tranh cãi về chủ đề này có khả năng làm thay đổi vai trò của các loại tên lửa như Storm Shadow/Scalps do Pháp và Anh phối hợp sản xuất, hay Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân do Mỹ sản xuất (ATACMS) trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Gần một năm trước, cũng trong cuộc gặp Tổng thống Zelensky tại Mỹ, ông Biden đã đưa ra quyết định cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine.
Tuần này, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công và phá hủy một kho vũ khí ở Toropets, nằm sâu gần 500km bên trong lãnh thổ Nga. Kho vũ khí này chứa bom lượn, tên lửa, đạn pháo và hệ thống phóng do Nga sản xuất. Nga đã sử dụng bom lượn này một cách hiệu quả để nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, chẳng hạn như các nhà máy điện.
Theo giới phân tích, Ukraine có thể đã thực hiện cuộc tấn công này với ba mục đích: loại bỏ kho vũ khí mà Nga sử dụng để nhắm vào các thành phố của Ukraine; chứng minh rằng có những mục tiêu quan trọng cần tấn công và cuối cùng là cho các nước phương Tây thấy rằng các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga sẽ không nhất thiết gây ra sự leo thang căng thẳng với Điện Kremlin. Nếu Ukraine sở hữu những tên lửa phương Tây chính xác hơn, có tính sát thương cao hơn, có nhiều kho vũ khí hơn thì sân bay và căn cứ quân sự của Nga có thể bị tấn công. Điều này sẽ buộc Tổng thống Putin phải đưa kho vũ khí ra xa biên giới Ukraine.
Hiện giờ, có những vấn đề mà Tổng thống Biden cần cân nhắc. Thứ nhất, Ukraine cần được NATO đào tạo và hỗ trợ. Thứ hai, Mỹ cũng cần đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt để đảm bảo Ukraine chỉ sử dụng loại vũ khí này tấn công các mục tiêu quân sự, chứ không phải cơ sở hạ tầng dân sự. Nhưng rủi ro trong cuộc xung đột này rất cao, vì thế Washington phải tìm cách đảm bảo các nguyên tắc trong đó tính đến tương lai của châu Âu và uy tín của Mỹ.
Những mục tiêu Ukraine có thể tấn công
Đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc có hay không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây tấn công lãnh thổ Nga.
Tình báo Mỹ tin rằng 90% số lượng máy bay của Nga phóng bom lượn đang nằm cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát hơn 300 km, tức là nằm ngoài phạm vi tấn công của ATACMS và con số đó có thể đang tăng lên. Theo một quan chức Mỹ, thời gian gần đây, Nga đã di dời máy bay từ hai căn cứ gần biên giới về phía đông.
Matthew Savill - Giám đốc về khoa học quân sự tại cơ sở nghiên cứu quốc phòng RUSI (trụ sở tại London, Anh) nhận định, Nga có thể đã di chuyển những mục tiêu có giá trị cao vào sâu hơn trong lãnh thổ nước này. Nhưng điều này không có nghĩa là những tên lửa tầm xa mà Ukraine không có tác dụng. Storm Shadows, được thiết kế để xuyên sâu vào bê tông, có thể phát huy hiệu quả khi chống lại các sở chỉ huy quân sự hoặc kho đạn dược của Nga, nhiều mục tiêu trong số này vẫn nằm trong tầm bắn.
Tên lửa ATACMS với đầu đạn chùm, có thể được sử dụng để gây thiệt hại đáng kể cho các sân bay. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Washington DC, tính toán rằng, 15 sân bay của Nga vẫn nằm trong phạm vi của ATACM (mặc dù không rõ có bao nhiêu máy bay vẫn được cất giữ trên đó).
George Barros, nhà phân tích tại ISW cho rằng, nếu các cuộc thảo luận về việc cấp phép này buộc Nga phải di chuyển máy bay xa hơn khỏi biên giới, thì đó là điều có lợi cho Ukraine, vì sẽ làm giảm số nhiệm vụ ném bom mà máy bay Nga thực hiện và giúp Ukraine có thời gian phát hiện cũng như phản ứng kịp thời đối với các cuộc tấn công.
Nghiên cứu của ông Barros đã xác định được ít nhất 200 mục tiêu tiềm năng nằm trong tầm bắn của ATACM, từ các trung đoàn quân đội đến các kho nhiên liệu, kho vũ khí và thậm chí cả trụ sở của quân khu phía Nam của Nga tại Rostov (tất cả đều khó di chuyển hơn nhiều so với máy bay). Tuy nhiên, danh sách này chưa tính đến các mục tiêu mới được xây dựng khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Theo ông Savill, một trong những mục tiêu mới này có thể là tên lửa đạn đạo FATH-360, mà Mỹ cho rằng Iran đã cung cấp cho Nga, với tầm bắn 75 km.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tên lửa tầm xa mà phương Tây cung cấp có thể hỗ trợ cho các hoạt động trên bộ và máy bay không người lái của Ukraine. Theo ông Savill, ATACMS có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các hệ thống và radar phòng không của Nga, giúp máy bay không người lái tầm xa của Ukraine có cơ hội để xâm nhập sâu hơn vào Nga. Nhà phân tích Barros lưu ý, việc tấn công các hệ thống phòng không của Nga ở khu vực biên giới cũng có thể tăng cường cơ hội cho Ukraine giành lại lãnh thổ.
Còn theo nhà phân tích Matthew Savill, về mặt lý thuyết, Ukraine có thể gia tăng tầm bắn của tên lửa bằng cách phóng từ các vị trí mà nước này chiếm được ở tỉnh Kursk của Nga. Tuy nhiên, kịch bản này có thể khiến máy bay ném bom và bệ phóng tên lửa của Ukraine rơi vào tầm ngắm của hệ thống phòng không Nga.
Đến thời điểm hiện tại, Ukraine vẫn khẳng định rằng, khả năng sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp nhằm vào lãnh thổ Nga là một phần của câu trả lời nhằm chấm dứt cuộc chiến theo các điều khoản của Kiev.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...