Ukraine đang tích cực triển khai UAV cảm tử để chặn cả UAV trinh sát lẫn UAV tấn công của Nga. Cách tiếp cận này tỏ ra hiệu quả cao và ít tốn kém, giúp Ukraine vô hiệu hóa đáng kể năng lực tập kích bằng UAV và pháo binh của đối phương. Tất nhiên, Nga cũng tích cực tìm cách đối phó chứ không ngồi yên.
Các máy bay không người lái (UAV/drone) góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã định hình lại tác chiến trên bộ trong xung đột Nga - Ukraine từ mùa xuân năm 2023. Hiện nay các drone FPV có tính cơ động nào đã trở thành công cụ quan trọng của Ukraine trong nỗ lực ngăn chặn UAV của Nga. Ngày càng có nhiều các đơn vị quân sự của Ukraine sử dụng UAV FPV (còn gọi là UAV cảm tử hoặc đạn tuần kích) để đánh chặn cả UAV trinh sát cánh cố định của Nga.
Mũi nhọn chặn UAV trinh sát của Nga
Kể từ tháng 5/2024, người ta xác nhận bằng thị giác khoảng 650 vụ Ukraine đánh chặn UAV trinh sát Nga, chủ yếu ở cự ly 1-3km, trên toàn chiến tuyến giữa đôi bên. Việc xác nhận này dựa trên thông tin nguồn mở từ nhiều nguồn, bao gồm các kênh mạng xã hội cũng như chia sẻ của bản thân các đơn vị Ukraine và các tổ chức khác.
Bên cạnh đó, dự án tập thể Tochnyi đã ghi chép và định vị được hơn 850 vụ đánh chặn UAV Nga bằng UAV FPV của Ukraine.
Hệ thống UAV trinh sát của Nga chủ yếu là thiết bị bay cánh cố định, gồm Zala 421, Supercam 350 và Orlan (gồm biến thể Orlan 10 và 30).
Số lượng UAV Nga bị bắn hạ theo cách này trên thực tế có thể lớn hơn nữa do không phải vụ đánh chặn UAV nào cũng được ghi lại và công bố.
Thành công không nhỏ của Ukraine trong triển khai UAV đánh chặn UAV trinh sát của Nga đã làm xói mòn năng lực của đối phương trong quan sát môi trường xung quanh cũng như phát hiện mục tiêu.
Thiếu “tai mắt” trên bầu trời như thế này, Nga sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp dữ liệu mục tiêu một cách kịp thời và đều đặn cho các vũ khí nóng của họ. Khi ấy, Ukraine sẽ giảm bớt được áp lực từ những đòn đánh của Nga bằng trọng pháo và tên lửa nhằm vào nhiều mục tiêu, bao gồm các mục tiêu có giá trị bên trong chiều sâu chiến dịch, như là hệ thống phòng không và sân bay. Nga thường tập kích những mục tiêu như thế này bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Đồng thời việc có ít UAV trinh sát trên bầu trời ảnh hưởng tiêu cực đến việc Nga sử dụng các năng lực tấn công khác, như đạn tuần kích - loại vũ khí dựa trực tiếp hoặc gián tiếp vào các chức năng trinh sát theo giờ thực, định vị mục tiêu nhanh chóng và truyền tiếp tín hiệu. Số lượng các cuộc tập kích của Nga bằng UAV cảm tử Lancet sụt giảm trong 3 tháng qua - đây dường như không phải là điều ngẫu nhiên vì loại UAV này khi tác chiến cần sự hỗ trợ từ các UAV trinh sát Zala (cùng thuộc một nhà sản xuất). Từ góc độ Kiev, điều này sẽ giảm áp lực của Lancet lên các đơn vị Ukraine, đặc biệt là pháo binh, hoạt động dọc theo hoặc gần chiến tuyến. UAV Lancet chuyên đi săn các đơn vị như vậy của Ukraine.
Việc bắn hạ UAV trinh sát của Nga cũng làm giảm khả năng của Nga trong đánh giá thiệt hại sau mỗi trận đánh.
Lợi thế cạnh tranh của UAV FPV Ukraine
UAV FPV như thế này còn có một ưu điểm nữa đối với Ukraine, đó là rẻ hơn so với phương án pháo kích, lại dễ sản xuất, phân phối và triển khai cho các lực lượng bố trí phân tán.
Ukraine là nước đầu tiên triển khai UAV trong thực chiến và trên quy mô lớn để ngăn chặn chính UAV đối phương. Nhu cầu của Ukraine về UAV FPV chưa bao giờ cao đến như vậy và các nhà sản xuất UAV của Ukraine như Wild Hornets cùng với các sáng kiến quyên góp tư nhân đang gửi hàng ngàn chiếc UAV ra tiền tuyến mỗi tháng.
Mức độ sử dụng drone FPV tăng vọt cũng giúp Ukraine tinh chỉnh chiến thuật và thử nghiệm tác chiến ở cấp độ chưa từng thấy. Bên trong một số lữ đoàn Ukraine đã lập ra những đơn vị phòng không FPV chuyên trách.
UAV loại này có một điểm bất tiện là cần ít nhất 1 trắc thủ cho mỗi cuộc đánh chặn. Nói cách khác, việc sử dụng FPV để đánh chặn UAV Nga tốn nhiều nhân sự có kỹ năng tốt. Điều khiển UAV FPV đòi hỏi sự huấn luyện và thực tập chuyên sâu, nhất là khi thực hiện các động tác bay tốc độ cao và tấn công những mục tiêu di động.
Hiện nay các lực lượng Ukraine đã sử dụng các công cụ tự động hóa để phát hiện, nhận diện và bám sát các UAV trinh sát của Nga. Tuy nhiên, họ cũng hướng tới việc tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) vào giai đoạn cuối của UAV. Yếu tố AI sẽ giúp UAV FPV kiên cường hơn trước tác chiến điện tử của đối phương.
Tuy nhiên lợi thế hiện nay của Ukraine về UAV FPV có thể không kéo dài lâu khi mà Nga cũng đang nỗ lực phát triển các biện pháp đối phó để bảo vệ UAV trinh sát của mình trước mối đe dọa từ UAV FPV Ukraine. Chẳng hạn, quân đội Nga áp dụng biện pháp ngụy trang và gắn thiết bị gây nhiễu vô tuyến điện trên UAV của mình để cắt đứt kết nối truyền hình giữa trắc thủ Ukraine và UAV mà họ điều khiển.
Ngoài ra, Nga cũng gắn camera góc rộng ở phía sau UAV để phát hiện UAV đối phương tiếp cận sau lưng, từ đó giúp trắc thủ Nga có đủ thời gian để cơ động lẩn tránh thiết bị của đối phương.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...