Mất mạng vì ham "việc nhẹ, lương cao"
Theo Bộ Công an, những người Việt Nam muốn tìm "việc nhẹ, lương cao" tại một số nước Đông Nam Á, sau khi được các đối tượng hướng dẫn vượt biên trái phép, đã trở thành các đối tượng lừa đảo và được nuôi ăn ở tập trung, cung cấp máy tính, điện thoại di động, tài khoản mạng xã hội, được đào tạo lừa đảo theo kịch bản đã được viết sẵn, trả lương, thưởng/phạt, nếu không làm được sẽ bị cưỡng bức, đánh đập.
Bộ Công an cho hay, qua nắm tình hình phát hiện tại một số đặc khu kinh tế ở nước ngoài đã xảy ra nhiều vụ án giết người hoặc vụ chết người có nạn nhân là người Việt Nam, thậm chí có một số vụ bị các đối tượng trong các tổ chức lừa đảo đánh đập dẫn đến tử vong; sau đó tử thi bị đốt, phân xác, phi tang, kéo lê trên đường bằng xe máy, vứt xác từ tầng cao…
Điển hình, từ đầu tháng 1 đến nay, C02 đã phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công an ở Campuchia, Công an các đơn vị, địa phương có liên quan điều tra các đối tượng là công dân Việt Nam làm việc tại các công ty tại đặc khu kinh tế thuộc TP.Bavet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia), thực chất là tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia do một số người Trung Quốc cầm đầu, điều hành các nhân viên lên đến hàng trăm đối tượng chủ yếu là người Việt Nam, trong đó có Công ty K066.
Tại đây, các đối tượng chia thành nhiều nhóm, nhiều tổ với hàng trăm người để quản lý và điều hành hoạt động phạm tội lừa đảo đối với người dân Việt Nam.
Hàng tháng, các đối tượng cầm đầu, chủ quản, quản lý, tổ trưởng sẽ giao chỉ tiêu số tiền lừa đảo trong tháng (doanh thu) cho từng nhóm, từng tổ và từng nhân viên và sẽ được hưởng tiền lương, thưởng, phạt theo chỉ tiêu. Thông thường mỗi tổ được giao chỉ tiêu số tiền lừa đảo trong tháng phải đạt từ 1,5 - 3 tỉ đồng/tháng, mỗi nhân viên được giao chỉ tiêu số tiền lừa đảo 100 triệu đồng/tháng. Hoàn thành chỉ tiêu, nhân viên sẽ được hưởng lương và phần trăm số tiền lừa được.
Muôn vàn chiêu lừa đảo
Theo Bộ Công an, các nhân viên được giao nhiệm vụ lừa đảo này thường dụ dỗ người Việt Nam ở trong nước bằng các thủ đoạn như kết bạn, yêu đương, dụ dỗ, lôi kéo người bị hại cài đặt các phần mềm mã độc để chiếm quyền điều khiển điện thoại, chuyển tiền hoặc đe dọa chuyển tiền… Nếu không hoàn thành công việc, các nhân viên này sẽ bị các đối tượng đánh đập, tra tấn, chích điện, phạt thể lực…
Ngoài ra, qua đấu tranh, các "nhân viên" trong vụ án này khai nhận đã giả mạo các dự án đầu tư của Tập đoàn Vingroup nhưng tạo các website, tài khoản ngân hàng có tên gần giống với tên các doanh nghiệp của Vingroup như: Vnfast, Vinclubid, Vinclubgrup sau đó lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo là các cán bộ, lãnh đạo các công ty trong Vingroup, giả mạo các giấy chứng nhận của Vingroup để tạo lòng tin khi kết bạn, trò chuyện, dụ dỗ đầu tư vào các quỹ đầu tư, dự án của Tập đoàn Vingroup.
Thủ đoạn nữa là các đối tượng tổ chức một bộ phận dụ dỗ bị hại nạp tiền đánh bạc vào các website đánh bạc do các đối tượng tạo ra, giả mạo các nhân viên IT biết các lỗ hổng bảo mật để tạo lòng tin và dụ dỗ người chơi nạp tiền vào các website trên.
Hầu hết các website do các đối tượng tạo đều giả mạo, các đối tượng có thể can thiệp, điều chỉnh các số dư trong tài khoản, số tiền lãi, tiền trúng thưởng và chỉ cho bị hại rút số tiền rất nhỏ trong số tiền đã nạp vào.
Sau khi bị hại đã tin tưởng, các đối tượng sẽ thay nhau chăm sóc và dụ dỗ bị hại nạp tiền, chuyển tiền sau đó bày ra các lý do để người bị hại tiếp tục nạp tiền, chuyển tiền đến khi không còn khả năng tài chính thì sẽ chặn liên lạc, khóa tài khoản.
Làm gì để tránh thành nạn nhân?
Theo Bộ Công an, đến nay C02 đã tiếp nhận hơn 400 người Việt Nam, nhân viên trong đường dây lừa đảo kể trên để phân loại, mở rộng điều tra.
Bộ Công an đề nghị người dân đã bị lừa đảo với thủ đoạn như trên khẩn trương liên hệ với điều tra viên Nguyễn Văn Long theo số điện thoại 0935546688 để trình báo.
C02 cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, dụ dỗ, lôi kéo sang nước ngoài làm việc theo kiểu "việc nhẹ lương cao", tránh bị lừa gạt, đưa vào các tổ chức tội phạm hoặc bị mua đi, bán lại cho các tổ chức tội phạm mua bán người. Mọi công dân khi xuất cảnh sang các nước phải thực hiện đúng quy định về xuất nhập cảnh.
Cạnh đó, mọi hành vi xuất cảnh trái phép hoặc tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu người dân phát hiện người thân, con em mình đang tham gia các tổ chức lừa đảo thì trình báo cho cơ quan công an cơ sở và phải khẩn trương vận động, kêu gọi về nước để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
C02 đề nghị người dân tỉnh táo trước những thủ đoạn lừa đảo, đe dọa trên không gian mạng của các đối tượng, nhất là các thủ đoạn giả mạo cơ quan chức năng, giả vờ yêu đương sau đó dụ dỗ tham gia các dự án đầu tư, tham gia đánh bạc…, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.