Đến vòng thứ 5, 36 thửa đất được người tham gia đấu giá trả cao bất thường, trong đó 3 thửa có mức giá lên tới 30 tỉ đồng/m². Bước sang vòng thứ 6, nhóm khách hàng đồng loạt trả 0 đồng, không tiếp tục đấu giá nữa, khiến 36 thửa đất không thể đấu giá thành công. 22 thửa còn lại đấu giá thành công, với mức giá cao nhất hơn 50 triệu đồng/m².
Nói về diễn biến trên, lãnh đạo H.Sóc Sơn nhận định nhóm người trả mức giá không tưởng đã có hành vi "phá" buổi đấu giá, do đó sẽ đề nghị Công an H.Sóc Sơn vào cuộc để làm rõ động cơ, mục đích của họ.
Xử lý được không?
Dư luận từng không ít phen choáng váng về những cuộc đấu giá đất với mức tiền đấu giá "trên trời", như vụ đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), hoặc liên tiếp các phiên đấu giá đất ngoại thành Hà Nội cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng "định giá ban đầu quá thấp" là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trả giá rất cao rồi bỏ cọc, hoặc đẩy giá đến mức phi thực tế sau đó bỏ nửa chừng khiến phiên đấu giá không thành như ở H.Sóc Sơn mới đây. Quan trọng hơn, chế tài xử lý còn chưa đủ răn đe, khiến xảy ra những vụ việc trên.
Theo luật sư (LS) Đặng Văn Cường, Đoàn LS TP.Hà Nội, cơ quan công an cần vào cuộc làm rõ danh tính nhóm người đấu giá tại H.Sóc Sơn, xác định mục đích của họ, đồng thời đánh giá hậu quả từ hành vi đã gây ra, để có căn cứ xử lý. Nếu không có nhu cầu, không có khả năng thanh toán hoặc không muốn mua nhưng vẫn tham gia đấu giá, trả giá cao rồi bỏ cọc hoặc bỏ đấu giá khiến cuộc đấu giá không thành công, thì đây là hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản. Mức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 82/2020 cao nhất là 10 triệu đồng.
Trường hợp hành vi cản trở khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức hoặc tổ chức không thành công và bị xác định gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, theo quy định tại điều 318 bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Còn theo LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, nếu chứng minh được mục đích phá hoại cuộc đấu giá nhằm "thổi giá" đất để trục lợi, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, quy định tại điều 218 bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.
"Chế tài đủ mạnh mới không dám coi thường"
Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), Bộ Tư pháp đề xuất quy trình, thủ tục về việc cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Ông Phạm Văn Hòa đánh giá đây sẽ là giải pháp góp phần ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc "phá" đấu giá, nhưng đề nghị cần có thêm các chế tài gắt gao, quyết liệt hơn nữa.
Theo ông Hòa, ngoài khoản tiền đã đặt cọc, người vi phạm phải bị xử phạt với số tiền tương ứng tính chất, mức độ của hành vi đã gây ra. Đồng thời, cơ quan quản lý cần nghiêm cấm họ tham gia đấu giá trong thời gian nhất định, không chỉ là đấu giá đất mà với các loại tài sản khác. "Chỉ khi chế tài đủ mạnh, họ mới không dám coi thường, đùa giỡn", ông Hòa nói.
Có ý kiến lo ngại về việc người đấu giá chỉ là "bình phong", người "đạo diễn" hành vi đang ẩn mình phía sau. Nếu vậy, việc cấm tham gia đấu giá có tác dụng hay không? Thừa nhận khả năng này là không thể tránh khỏi, nhưng ông Hòa cho rằng vẫn rất cần xử lý với người có hành vi trực tiếp "phá" đấu giá, nhằm tạo sự răn đe.
Phân tích thêm về vụ việc, ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Hiệp hội Bất động sản (BĐS) VN, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, khẳng định mức giá 30 tỉ đồng/m² tại phiên đấu giá ở H.Sóc Sơn là "quá vô lý". Nhưng cũng vì "quá vô lý", sự việc có thể diễn ra theo 2 hướng: một là người đấu giá có vấn đề về nhận thức, hai là có động cơ đằng sau.
Trường hợp thứ nhất nếu xảy ra thì đơn thuần là sự cố phát sinh, sẽ không gây ra quá nhiều hệ lụy. Nhưng với trường hợp thứ hai, cơ quan chức năng cần xác minh cặn kẽ, thận trọng, để chứng minh vi phạm nếu có.
Ông Điệp dẫn câu chuyện về các phiên đấu giá có mức trúng đấu giá cao rồi bỏ tại Hà Nội thời gian qua ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cũng như nhà đầu tư BĐS. Nếu vụ việc ở H.Sóc Sơn là do ý đồ của một nhóm người đứng sau nào đó, tâm lý của nhà đầu tư sẽ thêm một lần bị tác động, dù không nhiều - vì ai cũng thấy con số 30 tỉ đồng/m² là không phù hợp thực tế. Cơ quan chức năng phải có chế tài xử lý đủ sức răn đe, đặc biệt là công bố công khai kết quả giải quyết vụ việc, để người dân được biết, qua đó giúp thị trường BĐS ổn định, phát triển bền vững.
Tăng đặt cọc hay chứng minh tài chính?
Tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV vừa qua, bàn về giải pháp ngăn tình trạng đấu giá "trên trời" rồi bỏ cọc, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng mức đặt cọc tối đa 20% giá khởi điểm như hiện nay còn thấp, do đó kiến nghị tăng mức đặt cọc lũy tiến theo từng vòng đấu giá, để người tham gia đấu giá cân nhắc kỹ trước khi "xuống giá".
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lại nhận định tăng tiền cọc không phải là giải pháp căn cơ, thay vào đó cần bổ sung quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực tài chính có thể mua tài sản trong trường hợp trúng đấu giá. Đồng thời, người tham gia đấu giá phải cam kết nếu trúng đấu giá mà bỏ cọc thì sẽ bị xử lý.