Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, HĐXX gồm 3 thành viên, do thẩm phán Mai Anh Tài ngồi ghế chủ tọa. Hai kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện KSND cấp cao tại Hà Nội giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử. Có gần 30 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo; bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn có 1 luật sư bào chữa.
Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Nhàn lợi dụng mối quan hệ với quan chức tỉnh Đồng Nai để được ưu ái tham gia thầu, chỉ đạo nhân viên sử dụng hàng loạt chiêu trò gian dối để trúng liên tiếp 16 gói thầu, gây thiệt hại 152 tỉ đồng. Bị cáo Nhàn cùng nhân viên Công ty AIC còn đưa hối lộ cho bị cáo Trần Đình Thành 14,5 tỉ đồng; bị cáo Đinh Quốc Thái 14,5 tỉ đồng; bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, 14,8 tỉ đồng.
Căn cứ hành vi sai phạm, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nhàn 30 năm tù về hai tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Thành lãnh án 11 năm tù, bị cáo Thái 9 năm tù, bị cáo Vũ 9 năm tù, cùng về tội nhận hối lộ. Riêng bị cáo Vũ còn bị tuyên 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là 19 năm tù.
Vụ án này, ngoài tính chất, mức độ phạm tội, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là những tình huống pháp lý “xưa nay hiếm”. Theo đó, để không ảnh hưởng đến vụ án, dù bị cáo Nhàn cùng 7 người khác đang bị truy nã nhưng cơ quan tố tụng vẫn truy tố, xét xử, thay vì tạm đình chỉ và tách hồ sơ như nhiều vụ khác. Trong bản án, tòa sơ thẩm còn dành quyền kháng cáo cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt. Cũng vì lẽ đó, trong số 15 bị cáo ở phiên phúc thẩm hôm nay, có đến gần một nửa là nhóm đang bị truy nã và được luật sư kháng cáo thay.
Bên cạnh sự đồng tình, nhiều ý kiến cho rằng quyết định trên của tòa án cấp sơ thẩm là không phù hợp, bởi theo quy định tại điều 331, bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo Nhàn và các bị cáo bị truy nã không thuộc đối tượng mà luật sư bào chữa được quyền kháng cáo thay.