Nghi vấn bỏ lọt người phạm tội tại một văn phòng công chứng

14:25 - 22/04/2023

Cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không giải quyết triệt để vụ án, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội xảy ra tại một văn phòng công chứng, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Theo bản án sơ thẩm ngày 10.3.2023, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trịnh Trường Giang 18 năm tù, Trần Thanh Hải 7 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

VAI TRÒ CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN TRONG VỤ ÁN

Theo hồ sơ vụ án, bà Đặng Thị Tuyết đứng tên sở hữu thửa đất tại P.5, Q.Gò Vấp (TP.HCM). Năm 2018, bà Tuyết ký hợp đồng đặt cọc bán cho 3 người hùn vốn mua thửa đất này với giá 12 tỉ đồng, công chứng tại Văn phòng công chứng (VPCC) Q.12, TP.HCM.

Do thửa đất của bà Tuyết đang tranh chấp lối đi chung với các hộ dân xung quanh nên sau khi ký hợp đồng đặt cọc, tất cả thống nhất giao cho Trịnh Trường Giang, vốn chuyên môi giới, làm giấy tờ bất động sản, thực hiện hợp đồng dịch vụ thỏa thuận với các hộ dân, liên hệ cơ quan chức năng làm thủ tục tách thửa qua tên người mua.

Nghi vấn bỏ lọt người phạm tội tại một văn phòng công chứng

Bị cáo Trịnh Trường Giang (trái) và bị cáo Trần Thanh Hải tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3.2023

Khi nhận bản chính giấy tờ đất do bà Tuyết đưa, Giang đưa đồng phạm Trần Thanh Hải cất giữ. Sau đó, Giang đưa bản photocopy giấy tờ đất này cho một người khác là ông Hà Ngọc Diện, nói bán thửa đất cho ông Diện với giá 18,5 tỉ đồng. Sau khi

xem giấy tờ bản chính và thấy có hợp đồng bà Tuyết ủy quyền cho Trần Thanh Hải nên ông Diện đồng ý mua. Giang nhận của vợ chồng ông Diện 13,7 tỉ đồng.

Sau khi nhận tiền, Giang nhờ nhân viên VPCC Đầm Sen là Ngụy Cao Khánh soạn thảo nội dung hợp đồng ủy quyền rồi cả hai đưa cho ông Diện ký bên được ủy quyền, hợp đồng có nội dung “…ông Diện được quyền mua bán, chuyển nhượng đất với thửa đất tại P.5, Gò Vấp…”.

Giang nói với ông Diện do bà Tuyết già yếu không tự đi lại được nên yêu cầu ký hợp đồng bên ngoài trụ sở công chứng. Do tin tưởng nên ông Diện ký tên, lăn tay vào hợp đồng.

Khoảng 10 ngày sau, Giang đem hợp đồng ủy quyền có chữ ký chứng thực của ông Nguyễn Duy Thức là công chứng viên VPCC Đầm Sen; có chữ ký, dấu vân tay bên ủy quyền là bà Đặng Thị Tuyết, đưa cho ông Diện và nói đã ký xong hợp đồng ủy quyền. Sau khi có hợp đồng ủy quyền, ông Diện chuyển nhượng thửa đất trên cho em ruột là ông Hà Ngọc Hùng. Tổng số tiền phía ông Diện đưa cho Giang và Hải là 18,5 tỉ đồng.

Tại bản kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM, chữ ký, chữ viết mang tên Đặng Thị Tuyết trên hợp đồng ủy quyền, lập tại VPCC Đầm Sen ngày 17.10.2018, so với chữ ký, chữ viết của bà Đặng Thị Tuyết không cùng một người ký và viết ra; dấu vân tay đề tên Đặng Thị Tuyết trên hợp đồng ủy quyền thu thập tại VPCC Đầm Sen không đồng nhất với dấu vân tay của bà Đặng Thị Tuyết.

Kết luận giám định cũng nêu bản photocopy giấy CMND mang tên Đặng Thị Tuyết thu giữ tại VPCC Đầm Sen không phải là tài liệu được sao chụp từ giấy CMND tài liệu bản gốc của bà Đặng Thị Tuyết. Hơn nữa, cơ quan điều tra không thu thập được giấy ủy quyền của bà Đặng Thị Tuyết cho Trần Thanh Hải.

Bà Tuyết trình bày không ký bất kỳ một hợp đồng ủy quyền nào.

Xét xử sơ thẩm, ngoài hình phạt tù nói trên, TAND TP.HCM còn tuyên hủy hợp đồng ủy quyền và hủy hợp đồng chuyển nhượng mua bán đất giữa hai bị cáo và phía ông Diện, ông Hùng được lập tại VPCC Đầm Sen. Đồng thời, buộc vợ chồng ông Diện, ông Hùng trả lại giấy tờ đất cho bà Tuyết. Trường hợp bà Tuyết không nhận lại được các giấy tờ đất và một số giấy tờ liên quan khác, thì được quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để xin cấp lại.

VPCC PHẢI LIÊN ĐỚI BỒI THƯỜNG

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng Ngụy Cao Khánh, Nguyễn Duy Thức là nhân viên, công chứng viên của VPCC Đầm Sen đã vi phạm quy trình, thủ tục công chứng theo quy định luật Công chứng năm 2015.

Trong đó, quá trình điều tra đã xác định Khánh thừa nhận làm sai quy trình theo quy định, khi tin tưởng vào Giang, nên đã giao cho Giang đưa bà Tuyết ký và khi lấy lại hợp đồng, Khánh không biết hợp đồng này không phải là do chính bà Tuyết ký; công chứng viên Nguyễn Duy Thức thừa nhận làm sai quy trình khi không thực hiện hết trách nhiệm, là không trực tiếp chứng kiến bà Tuyết ký vào hợp đồng và lăn tay mà tin tưởng để Khánh thực hiện thay Thức nên mới xảy ra vụ việc.

Cấp sơ thẩm chỉ kiến nghị xử lý trách nhiệm VPCC

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, về vai trò của Ngụy Cao Khánh và Nguyễn Duy Thức, là nhân viên, công chứng viên của VPCC Đầm Sen đã vi phạm thủ tục công chứng quy định tại điều 4, luật Công chứng năm 2015, khi công chứng hợp đồng ủy quyền giữa bà Đặng Thị Tuyết và ông Hà Ngọc Diện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo. HĐXX sơ thẩm yêu cầu xem xét trách nhiệm của hai cá nhân trên, song cơ quan điều tra và Viện KSND TP.HCM sau khi điều tra bổ sung kết luận không có cơ sở để xử lý hình sự. Tại phiên tòa, Khánh, Thức có đơn xin xét xử vắng mặt, nên HĐXX sơ thẩm không có cơ sở để xem xét.

Đối với VPCC Đầm Sen để Khánh và Thức vi phạm thủ tục công chứng quy định tại điều 4, luật Công chứng 2015, HĐXX sơ thẩm xét thấy cần kiến nghị Sở Tư pháp TP.HCM có biện pháp xử lý trách nhiệm theo các quy định của pháp luật đối với VPCC Đầm Sen.

Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, hành vi của Khánh và Thức đã vi phạm quy định tại các điều 4, 40, 44, 48, 55 luật Công chứng năm 2015, dẫn đến hậu quả là bị cáo Giang và Hải chiếm đoạt của người bị hại 18,5 tỉ đồng. Vì vậy, Khánh, Thức có dấu hiệu phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 360, bộ luật Hình sự.

Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, bản án sơ thẩm không tuyên buộc VPCC Đầm Sen có trách nhiệm liên đới bồi thường cho người bị hại là không đúng. Bởi theo điều 38, luật Công chứng năm 2015, quy định về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng, thì “tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng”.

Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, trong vụ án trên, Khánh, Thức đã vi phạm quy định luật Công chứng, dẫn đến hậu quả là hai bị cáo đã chiếm đoạt của người bị hại 18,5 tỉ đồng. Như vậy, các bị cáo và VPCC Đầm Sen phải liên đới bồi thường thiệt hại do hậu quả của việc hủy hợp đồng ủy quyền…

Từ tháng 10.2021, VPCC Đầm Sen đổi tên thành VPCC Nguyễn Thị Sáu (số 1294 – 1296 đường 3 Tháng 2, P.2, Q.11, TP.HCM).

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Trái Tim Bất Hạnh - SCTV14

Cuộc Chiến Hôn Nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...