Theo đó, hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định tuyên ông Phượng án tù chung thân, với cáo buộc sát hại chính mẹ ruột của mình là cụ Nguyễn Thị Vui (sinh năm 1926). Đây là lần thứ 4 ông Phượng bị tuyên có tội, nhưng lần này mức án giảm xuống chung thân, thay vì tử hình như 3 lần trước.
Được giảm xuống án chung thân
Phán quyết của tòa khiến nhiều người khá bất ngờ, bởi ngược với quan điểm của đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội trong phần tranh luận. Đại diện viện kiểm sát cho rằng, các chứng cứ buộc tội ông Phượng chưa vững chắc, cần hủy bản án sơ thẩm lần 2 của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại.
Bào chữa cho ông Phượng, luật sư cũng chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn để chứng minh thân chủ không phạm tội, đề nghị hủy án để điều tra lại, đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Lập luận trong bản án, HĐXX xác định quá trình giải quyết vụ án này có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất. Bị cáo dù kêu oan nhưng từng nhiều lần khai nhận và khai nhận với nhiều người (điều tra viên, kiểm sát viên) về việc sát hại mẹ ruột, các lời khai này cơ bản thống nhất.
Riêng với lời khai của bị cáo cho rằng bị bức cung, nhục hình, HĐXX nhận thấy không có căn cứ.
Đáng chú ý, tuy khẳng định bị cáo có tội nhưng HĐXX đã cân nhắc một số yếu tố như: đại diện bị hại có đề nghị xin giảm nhẹ cho bị cáo, bản thân bị cáo là người dân tộc thiểu số, phạm tội lần đầu, nhiều năm nuôi mẹ mù lòa…
Do đó, dù bị cáo kêu oan và không xin giảm nhẹ, nhưng để thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật, cũng như bảo đảm tính răn đe, giáo dục, HĐXX cho rằng không cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất với bị cáo.
Từ những căn cứ đã nêu, HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo kêu oan của ông Phượng, nhưng sửa bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo mức án chung thân về tội giết người.
3 lần bị tuyên án tử hình
Theo cáo buộc, cụ Nguyễn Thị Vui bị mù lòa, sống chung với vợ chồng ông Phượng từ năm 2003. Năm 2009, do kinh tế khó khăn, con trai và vợ ông Phượng đi xuất khẩu lao động. Để có tiền lo chi phí, ông Phượng vay mượn nhiều người, trong đó vay của cụ Vui đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng.
Sau đó, ông Phượng bị cho là bức xúc trước việc cụ Vui nhiều lần đòi nợ nên nảy sinh ý định giết mẹ để trút gánh nặng.
Ngày 2.10.2012, bị cáo ra tiệm vàng mua đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng để trả cho cụ Vui. Hai ngày sau, cụ Vui hỏi: “Mày trả tao vàng giả à?”, bị cáo càng thêm bực tức.
Trưa 5.10.2012, ông Phượng đi làm về nhà, thấy cụ Vui nằm ngủ trên giường liền đi vào góc buồng lấy con dao quắm chém nạn nhân tử vong.
Tháng 4.2013 rồi tháng 8.2013, lần lượt TAND tỉnh Bắc Giang và TAND tối cao tại Hà Nội tuyên ông Phượng tử hình. Bị cáo đều kêu oan, tố bị ép cung.
Tháng 11.2016, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao họp phiên giám đốc thẩm, quyết định hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại.
Tháng 8.2019, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, tiếp tục tuyên ông Phượng mức án tử hình về tội giết người. Bị cáo lại kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa hôm nay 23.5, ông Phượng nhiều lần nói không giết mẹ, thà bị tử hình chứ không chịu nhận tội, bởi đây là hành vi bất nhân, bất nghĩa.
HĐXX triệu tập điều tra viên để đối chất về lời khai bị nhục hình, điều tra viên của Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định không có chuyện đánh đập hay ép cung bị cáo. “Việc hỏi cung đảm bảo đúng quy định, quá trình hỏi khách quan, ban đầu bị cáo khai báo thành khẩn, phù hợp với các tài liệu thu thập được”, điều tra viên nói.