Tại phần tranh luận, cho rằng chứng cứ buộc tội với bị cáo còn chưa vững chắc, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị hủy bản án sơ thẩm lần 2 của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại.
Một mực kêu oan, khẳng định không giết mẹ
Trước đó, ở phần xét hỏi, ông Phượng một mực kêu oan, khẳng định không giết mẹ. Nói về một số lời khai ở giai đoạn điều tra ban đầu, bị cáo nhiều lần cho rằng bị đe dọa, đánh đập, ép cung.
Theo lời bị cáo, trưa 5.10.2012, sau khi đi làm về tới nhà, bị cáo thấy mẹ nằm bất động, đến gần lay thì đã thấy thi thể cứng, không biết chết từ lúc nào.
Vụ án xảy ra, con trai nhỏ của bị cáo bị cơ quan công an triệu tập nhiều lần, có lần làm việc đến sáng hôm sau mới về. Sức ép lo sợ con bị bắt khiến bị cáo nhận tội, và nghĩ rằng sẽ kêu oan sau.
Khi luật sư giải thích rằng nếu bị cáo phạm tội và thành khẩn khai báo, đây có thể là tình tiết để hội đồng xét xử (HĐXX) cân nhắc, giúp bị cáo có cơ hội thoát mức án tử hình. Vậy bị cáo có nhận tội hay không?
Không suy nghĩ, bị cáo lập tức nói “có giết thì giết” chứ không bao giờ thừa nhận việc giết hại mẹ, bởi đây là hành vi bất nhân, bất nghĩa.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 23.5
Tại tòa, ông Vi Văn Sáng được triệu tập với tư cách đại diện cho bị hại, cũng là anh trai của bị cáo. Ông Sáng nhận định em trai sống rất tử tế với mẹ. Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Phượng, cũng khẳng định chồng mình là người chăm chỉ, có hiếu, nuôi dưỡng mẹ tận tình trong suốt nhiều năm trời.
“Vụ án xảy ra đã hơn 10 năm, tôi tha thiết mong HĐXX xem xét để tuyên chồng tôi vô tội, anh ấy không có ý định giết mẹ; không riêng gì cha mẹ, hàng xóm ai cũng quý mến chồng tôi”, bà Mai nói.
Luật sư đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với bị cáo
Trong phần nhận định làm căn cứ đề nghị hủy án, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội xác định vụ án trên kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều phiên tòa xét xử, ông Phượng có nhiều lời khai không nhất quán, khi nhận tội, khi kêu oan. Ngay cả lời khai nhận tội cũng có mâu thuẫn, lúc khai giết mẹ vào 9 giờ, lúc lại khai giết vào 11 giờ, có lúc lại khai hơn 11 giờ.
Đặc biệt, hồ sơ vụ án xác định ông Phượng rời nơi đi làm thuê khoảng 11 giờ – 11 giờ 10 phút, gọi điện thông báo việc mẹ chết cho công an và họ hàng lúc 11 giờ 25 phút. Ít phút sau, các nhân chứng đầu tiên có mặt đều đánh giá vết máu đã thâm đen.
Theo kết quả giám định và khám nghiệm, thi thể cụ Vui đã cứng khi bị cáo về nhà, vết máu phải mất 1 – 3 giờ mới chuyển màu thâm đen. Vì vậy, việc quy kết ông Phượng gây án trong khoảng thời gian sau 11 giờ 10 phút còn mâu thuẫn.
Chưa kể, về động cơ gây án, lời khai của các nhân chứng là anh em, họ hàng cho thấy bị cáo là người có hiếu; thời điểm xảy ra vụ án kinh tế gia đình cũng không thuộc diện khó khăn vì vợ bị cáo đi xuất khẩu lao động, mới gửi 50 triệu đồng để trang trải.
Đối với chiếc áo dính máu nạn nhân thu giữ tại hiện trường, phần lớn nhân chứng khẳng định không rõ bị cáo có mặc chiếc áo này tại ngày xảy ra vụ án hay không. Chỉ duy nhất ông Lăng Đức Mạnh (người cùng làm thuê) khai nhìn thấy bị cáo mặc 2 áo, nhưng lời khai của chính người này cũng có sự mâu thuẫn, khi thì khai bị cáo mặc 1 áo, khi lại khai mặc 2 áo…
Bào chữa cho ông Phượng, 2 luật sư đưa ra nhiều căn cứ cho thấy thân chủ ngoại phạm tại thời điểm xảy ra vụ án mạng, ông Phượng không phải là người sát hại cụ Vui. Một luật sư đồng tình với quan điểm của đại diện viện kiểm sát về việc hủy án để điều tra lại, đồng thời đề nghị HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông Phượng từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú; luật sư còn lại thì đề nghị trả tự do cho bị cáo.
Nói lời sau cùng, ông Phượng chỉ ngắn gọn:”Mong tòa minh oan cho bị cáo, để sớm trở về nhà”.