Như vậy, trong vòng 5 ngày qua, giá dầu thế giới đã giảm khoảng 8 - 9,5%.
Cuộc họp của các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) hôm cuối tuần đẩy giá dầu lao dốc. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và mức thuế quan cao đánh vào hàng nhập khẩu của Mỹ, tại cuộc họp ngày 3.5, OPEC+ đã nhất trí đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu trong tháng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, OPEC+ sẽ tăng sản lượng trong tháng 6 thêm 411.000 thùng/ngày bất chấp giá giảm và dự báo nhu cầu yếu hơn.

Giá xăng dầu trong nước có thể giảm nhẹ chiều nay (5.5)
ẢNH: PHẠM HỮU
Hồi tháng 4, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, dưới 60 USD/thùng, sau khi OPEC+ công bố mức tăng sản lượng lớn hơn dự kiến vào tháng 5 và khi mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.
Reuters ước tính, mức tăng sản lượng trong tháng 6 của 8 thành viên OPEC+ sẽ nâng tổng mức tăng trong 3 tháng, kể từ tháng 4, lên 960.000 thùng/ngày, tương ứng với việc nới lỏng 44% mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, giá xăng dầu theo ước tính của các nhà nhập khẩu tại kỳ điều hành giá chiều nay (ngày 5.5) có mức giảm khá khiêm tốn. Dự báo, mức giảm sẽ dao động trong khoảng 50 - 350 đồng/lít/kg.
Thông thường, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh vào thứ năm hằng tuần. Tuy nhiên, do thứ năm tuần trước rơi đúng vào ngày nghỉ lễ 1.5 nên kỳ điều hành giá được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ là hôm nay, ngày 5.5. Tại kỳ điều hành giá gần đây nhất, giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 530 - 780 đồng/lít/kg.