Bất chấp mức giảm mạnh vào đầu tuần trước, giá vàng hiện tại vẫn đang cao hơn khoảng 15% so với đầu năm và là một trong những loại tài sản sinh lời nhiều nhất của năm, nhờ sức mua từ các ngân hàng trung ương, người tiêu dùng châu Á và kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất.
Theo ING, giá vàng lập kỷ lục mọi thời đại trong tháng 7 giữa nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương và người tiêu dùng châu Á và "sau một giai đoạn củng cố", giá vàng sẽ duy trì đà tăng.
"Chúng tôi tin rằng những diễn biến địa chính trị vẫn sẽ là những yếu tố chủ chốt thúc đẩy giá vàng. Cuộc chiến tại Ukraine và Trung Đông và căng thẳng Mỹ-Trung gợi ý rằng nhu cầu đối với loại tài sản an toàn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong ngắn đến trung hạn", theo bài viết của ING.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng trong tháng 6 với mức mua ròng là 12 tấn. Sức mua này được dự báo sẽ giữ nguyên sắp tới giữa tình hình kinh tế và những căng thẳng địa chính trị hiện tại, và bởi giá cả tiêu dùng đã hạ nhiệt sau mức cao kỷ lục.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và đợt cắt giảm lãi suất được chờ đợi từ lâu của Fed cũng sẽ tiếp tục làm động lực đẩy giá vàng đi lên đến cuối năm. Các ngân hàng trung ương dự kiến cũng sẽ tiếp tục mua thêm vàng.
Theo bài viết, Fed đã giữ mức lãi suất dao động từ 5,25%-5,5%, mức cao nhất trong hơn 2 thập niên, từ tháng 7 năm ngoái. Các nhà kinh tế của ING dự báo Fed sẽ giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9 và tiếp đó là các đợt giảm ở mức 25 điểm cơ bản liên tiếp, đưa lãi suất về mức khoảng 3,5% vào mùa hè năm 2025.
Mặt khác, các quỹ ETF vàng toàn cầu cũng đang chứng kiến mức đầu tư tăng trong tháng thứ 2 liên tiếp, theo WGC. Trong đó, sức mua từ châu Âu và châu Á bù đắp lại lượng bán ra từ Bắc Mỹ trong tháng 6.
Với những dữ kiện trên, ING dự báo rằng giá vàng trung bình của quý 3 sẽ là 2.380 USD/ounce và sẽ đạt đỉnh 2.450 USD/ounce trong quý 4, dẫn đến mức trung bình cả năm là 2.301 USD/ounce.