Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo “đòn bảy” giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nắm bắt cơ hội kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức.
Theo thống kê, tính đến tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 16.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đầu tư gần 292.400 tỷ đồng, trong đó có hơn 75% doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tới 90% tổng thu ngân sách của tỉnh.Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Đáng chú ý, doanh nghiệp SME chiếm 98% trên tổng số 12.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 90%.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ
Các doanh nghiệp SME của tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng phát triển, là nguồn tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Tuy nhiên, trong năm 2024 chịu tác động chung của nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp SME cũng gặp nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng sụt giảm, dẫn đến tình trạng cắt giảm quy mô sản xuất. Gánh nặng chi phí tăng mạnh; khó khăn về dòng tiền, chính sách tài chính, thuế. Những áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Một số thủ tục hành chính, quy định pháp lý chưa thống nhất… càng làm doanh nghiệp khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, trình độ quản lý còn yếu, trình độ công nghệ và sức sáng tạo thấp, sức cạnh tranh chưa cao, khả năng liên kết hợp tác tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI hoạt động trong một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh còn yếu. Do có sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hằng năm, đóng góp của khu vực doanh nghiệp này trong một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh còn thấp.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, lấy lại đà tăng trưởng, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (Trung tâm) cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp các ngành tổ chức nhiều hội nghị với các ngành chức năng, các doanh nghiệp để nắm bắt, bàn và đưa ra các giải pháp tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Trung tâm làm đầu mối về hỗ trợ doanh nghiệp, đã tổ chức nhiều hoạt động hữu ích để thực hiện tuyên truyền, phổ biến cũng như trực tiếp tư vấn cho các doanh nghiệp SME trên địa bàn các nội dung hỗ trợ theo quy định.
Cụ thể, Trung tâm chủ trì phối với với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm, tiếp cận các nguồn tài chính của ngân hàng, các quỹ hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, của tỉnh; Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá xúc tiến đầu tư vào các thị trường trong và ngoài nước;Hướng dẫn, giải đáp cho các doanh nghiệp về chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước.
Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua chương trình gặp gỡ doanh nhân hàng tuần; Qua khảo sát..., đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ kịp thời hoặc chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; Xây dựng, tổ chức thực hiện các Chương trình, hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại địa phương.
Tổ chức hội thảo, tập huấn, liên kết với các cơ sở đào tạo để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các đối tượng khác theo quy định; Chủ trì thực hiện hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về phát triển kinh tế, du lịch và đầu tư cho doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
“Đặc biệt, Trung tâm triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 80/2021/NĐ-CPcủa Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” ông Bùi Hồng Đô nhấn mạnh.
Dành hơn 213 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp SME
Theo ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc thì, Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025, áp dụng đối với các doanh nghiệp được thành lập và có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Mục tiêu cụ thể của đề án, phấn đấu mỗi năm tăng 1.300 - 1.500 doanh nghiệp thành lập mới đến năm 2025; 100% doanh nghiệp thành lập mới đến năm 2025 được phổ biến, nhận thức về chuyển đổi số. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án, theo đó quy định cụ thể phạm vi, mức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí trên 213 tỷ đồng giai đoạn 2022 – 2025, trong đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Đồng thời, tiếp tục triển khai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phù hợp với thực tiễn. Phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025, các doanh nghiệp SME giải quyết việc làm mới cho 7.700 lao động/năm; GRDP tạo ra năm sau so với cùng kỳ năm trước tăng 10 - 15%; nộp ngân sách tăng 7 - 10%/năm.
Cùng với đó, đề ra các nhóm mục tiêu chính gồm triển khai đồng bộ, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SME của Trung ương trên cơ sở Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích doanh nghiệp SME thành lập mới, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp.
Thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác lợi ích từ công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cho việc chủ động tham gia cuộc CMCN4.0.
Hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp SME, nâng cấp doanh nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng của một bộ phận doanh nghiệp SME hoạt động trong nền kinh tế có khả năng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.
Tính riêng năm 2023, Vĩnh Phúc dành hơn 53 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp SME trên địa bàn tỉnh. Trong đó, kinh phí hỗ trợ tư vấn hơn 17,6 tỷ đồng; hỗ trợ công nghệ 14,5 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp SME khởi nghiệp sáng tạo hơn 6,8 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp SME tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị gần 6,8 tỷ đồng; chi phí quản lý, giám sát, tổ chức thực hiện đề án gần 3,5 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao sức đề kháng cho doanh nghiệp SME trước những rủi ro thương mại, sức ép của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trên thế giới được ký kết, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp SME được tiếp cận các nguồn lực đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ… Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2022 - 2025.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...