Khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện được kỳ vọng sớm trở thành trung tâm logistics của miền Bắc, sẵn sàng bước vào cuộc đua mới cạnh tranh về nguồn hàng.
Khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện là dự án trọng điểm của Hải Phòng, được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm logistics của miền Bắc và cả nước. Do đó, các dự án hạ tầng rất được TP Hải Phòng quan tâm đầu tư.
Được biết, khu bến cảng Lạch Huyện là cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách quốc tế, bến công vụ, bến cho các phương tiện thủy nội địa. Trong đó, khu bến cảng Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận các tàu mẹ có trọng tải trên 50.000 DWT - loại tàu mà các khu cảng sông Cấm và bến cảng Đình Vũ khó tiếp nhận do độ sâu mớn nước không thể đáp ứng.
Theo quy hoạch, giai đoạn từ năm 2025 định hướng đến năm 2030, cảng Lạch Huyện sẽ có tổng số 13 - 15 bến, trong đó 10 - 12 bến phục vụ tàu container (từ bến 1 về phía hạ lưu) đến 12.000 Teus (hoặc đến 18.000 Teus), 3 bến phía thượng lưu bến số 1 tiếp nhận hàng tổng hợp đến 100.000 tấn.
Tổng lượng hàng hóa thông qua khu từ 76 - 85 triệu tấn/năm (trong đó hàng container từ 5,5 - 6,1 triệu TEU/năm, bằng 60 - 70% so với quy hoạch cũ).
Đặc biệt, những tháng cuối năm 2024, khu vực bến container 3,4 và bến 5,6 cảng Lạch Huyện đang hối hả tăng cường nguồn lực để hoàn thành giai đoạn 1, sớm đưa vào khai thác. Trong đó, bến container số 3 và số 4 do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại.
Theo các chuyên gia, những bến cảng mới sắp được đưa vào khai thác tại cảng Lạch Huyện trong đầu năm 2025 sẽ giúp nâng cao năng lực hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng. Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, 5 năm qua, sản lượng hàng hóa qua cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) với 2 bến tại Lạch Huyện đã tăng từ hơn 431.000 Teu vào năm 2019 lên hơn 1,4 triệu Teu (tính tới đầu tháng 12/2024).
Việc bến 1, 2 cảng TC-HICT có lượng hàng thông qua đã vượt công suất thiết kế cho thấy tiềm năng lớn tại cảng biển nơi đây.
Được biết, tại bến cảng số 1, 2 (TC-HICT) có quy mô gồm 2 bến cảng container dài 750m, có thể tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp trọng tải 100.000 DWT đầy tải, công suất thiết kế ban đầu khoảng 1,1 triệu Teu/năm. Doanh nghiệp đang đầu tư, bổ sung thiết bị để nâng công suất thiết kế lên khoảng 1,4 triệu Teu/năm.
Trong khi đó Dự án bến số 3, 4 có quy mô gồm 750m bến cho tàu 100.000 DWT (khoảng 8.000 Teu) và công suất thiết kế khoảng 1,1 triệu Teu/năm. Bến số 5, 6 có quy mô 2 bến có chiều dài 900m (450m/bến) tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teu - 18.000 Teu. Ngoài ra, tại đây còn có 1 bến sà lan tiếp nhận sà lan sức chở 160 Teu, cùng hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng.
Việc đầu tư phát triển các bến tại cảng Lạch Huyện sẽ giúp vận chuyển hàng hóa trực tiếp sang châu Âu, châu Mỹ không cần trung chuyển qua nước thứ ba. Qua đó, giúp giảm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.
Song, khi cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động cũng tạo cuộc cạnh tranh nguồn hàng với các cảng khác trên địa bàn TP Hải Phòng trong thời gian tới.
Cần đồng bộ hạ tầng
Theo ông Hồ Kim Lân – Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) đánh giá: Có thêm các bến cảng mới tại Lạch Huyện có thể giúp năng lực thông qua hàng hóa tại đây tăng lên bằng sản lượng hàng qua khu vực Đình Vũ hiện có.
Theo ông Lân, do tại Lạch Huyện đang chỉ có bến 1, 2 hoạt động nên phần lớn container tập trung tại các cảng khu vực Đình Vũ. Tuy nhiên, luồng hàng hải vào các cảng tại Đình Vũ có mớn nước còn nông (khoảng 7.2m) nên nếu có thêm bến hoạt động, cảng nước sâu Lạch Huyện sẽ dễ thu hút các hãng tàu và chủ hàng.
“Các cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu hàng lớn, giúp giảm giá thành vận chuyển, giảm chi phí logistics, có lợi cho nhiều bên. Đây chính là lợi thế trong cạnh tranh của cảng tại Lạch Huyện so với các cảng phía trong sông Cấm”, ông Lân khẳng định.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của bến cảng Lạch Huyện, UBND TP Hải Phòng và các doanh nghiệp cần phải chung tay, sớm xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, đảm bảo tránh tắc nghẽn trong quá trình lưu chuyển hàng hóa.
Cụ thể, đường vào Lạch Huyện hiện nay chỉ có duy nhất cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. Nếu có thêm các bến mới hoạt động, việc chỉ có một cầu lưu thông có thể không đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn.
“Trường hợp giao thông không thuận lợi, hàng hoá có thể vẫn ở lại khu vực Đình Vũ. Đây là trở ngại với cảng biển tại Lạch Huyện nếu nhà nước chưa kịp đầu tư xây thêm cầu mới”, ông Lân phân tích.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...