Trà Vinh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt các rào cản chính sách để tạo thuận lợi cho quá trình thu hút đầu tư.
Ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh khẳng định thời gian tới Trà Vinh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt các rào cản chính sách để tạo thuận lợi cho quá trình thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, tỉnh Trà vinh đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển, đưa Trà Vinh đứng trong nhóm đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Ông chia sẻ đôi nét về tiềm năng, lợi thế khác biệt của Trà Vinh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế?
Trà Vinh là một trong những tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có những tiềm năng và lợi thế để trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trà Vinh có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, là tuyến đường ra biển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh trọng điểm về kinh tế biển. Được Trung ương quan tâm đầu tư các công trình trọng điểm cấp quốc gia như: Trung tâm Ðiện lực Duyên Hải với tổng công suất 4.900 MW; dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; quy hoạch Khu kinh tế Ðịnh An là một trong 16 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước.
Đồng thời, Trà Vinh có khoảng 95.000 ha diện tích phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm nước mặn và nước lợ; 6.000 ha rừng phòng hộ. Việc khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn ven biển, kết hợp nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản với chăm sóc, bảo vệ rừng đã đóng góp hiệu quả cho kinh tế - xã hội các địa phương ven biển. Với những tiềm năng sẵn có, Trà Vinh có nhiều thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
- Bức tranh kinh tế - xã hội tại Trà Vinh thời gian vừa qua diễn biến ra sao, thưa ông?
Thời gian qua, Trà Vinh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 8,25%; quy mô nền kinh tế đạt 83.375 tỷ đồng, tăng gần 10.500 tỷ đồng so với năm 2022; thu ngân sách đạt 134,76% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 32.011 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Trà Vinh đạt 10,27%, đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 6 cả nước, là mức tăng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận định, nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng sạt lở, triều cường gây ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống; sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước; các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi như dịch tả heo Châu Phi, sâu đầu đen hại dừa chưa được khống chế triệt để; tác động tiêu cực của nắng nóng kéo dài, nguy cơ xâm nhập mặn; …
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 5.654 doanh nghiệp nhưng chủ yếu hoạt động ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, trong thời gian qua, số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ.
- Trà Vinh đã và đang có những định hướng ra sao nhằm hiện thực hoá mục tiêu trở thành tỉnh đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thưa ông?
Thời gian tới, tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó, đặc biệt là các nội dung quan trọng: ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển, hình thành các vùng và các trục động lực phát triển, các cửa ngõ kết nối, sớm hình thành ba trục động lực phát triển, gồm trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển, trục phát triển theo tuyến quốc lộ 60 và trục phát triển theo tuyến cao tốc Hồng Ngự-Trà Vinh.
Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển; tập trung phát triển hệ thống đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Định An, các Khu công nghiệp Cổ Chiên và Cầu Quan. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, trọng tâm là đường hành lang ven biển, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả các cảng biển, phát triển logistics.
Cùng với đó, tỉnh đã cụ thể hóa và tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, liên tục các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó, tỉnh xác định việc cải thiện các chỉ số PCI, PGI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên triển khai thực hiện trong kế hoạch hàng năm.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tăng tiện ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra liên quan đến doanh nghiệp theo đúng quy định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp. Cùng với việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...