Với những lợi thế về địa lý, Hải Dương hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng.
Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông... trong định hướng phát triển kinh tế, Hải Dương đã xác định tầm nhìn trở thành trung tâm logistics ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Nằm trên trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hải Dương có vị trí trung tâm, kết nối các tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm của miền Bắc. Trong đó Hải Phòng với trọng tâm phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, hệ thống logistics quy mô quốc tế; Quảng Ninh với trọng tâm phát triển chế biến thủy sản, sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo; Bắc Ninh hướng đến công nghiệp điện, điện tử, tận dụng hệ sinh thái của Samsung; Hưng Yên hướng tới công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, đô thị thông minh và thương mại điện tử.
Trong định hướng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương có 33 khu công nghiệp với tổng quy mô 5.661 ha, 61 cụm công nghiệp với tổng quy mô 3.209 ha, phát triển một khu kinh tế chuyên biệt nằm ở phía nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc 2 huyện Bình Giang, Thanh Miện. Đặc biệt, giai đoạn đến năm 2030, Hải Dương sẽ hình thành 8 trung tâm logistics ở TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và các huyện: Bình Giang, Kim Thành, Thanh Hà, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Ninh Giang với tổng diện tích gần 190 ha.
Ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Tốc độ tăng trưởng kép của ngành kho bãi giai đoạn 2016-2025 được dự báo cao hơn của ngành vận tải đường bộ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường trong nước với các dịch vụ logistics này, tỉnh cần chú trọng đầu tư vào các dịch vụ kho bãi.
Theo ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Delta cho biết, bên cạnh việc thúc đẩy dịch vụ kho bãi, Hải Dương cần quy hoạch điểm trung chuyển hoặc trung tâm vận tải đường bộ. Từ đó tận dụng tối đa lợi thế trong luân chuyển hàng hóa. Ngoài ra, cần hình thành đội ngũ nhân sự am hiểu nghiệp vụ, pháp luật.
Được biết, hiện nay Hải Dương chưa hình thành bất kỳ trung tâm logistics nào. Hiện mới có một số dịch vụ logistics như xếp dỡ, vận chuyển, lưu kho tạm thời, gom và chia hàng lẻ, sửa chữa, bảo dưỡng container… được thực hiện tại cảng cạn (ICD) Hải Dương ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) do Công ty CP Giao nhận và Kho vận Hải Dương làm chủ đầu tư và quản lý với quy mô diện tích 12 ha. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp FDI cũng cung cấp các dịch vụ giao nhận và lưu trữ hàng hoá. Tuy nhiên dịch vụ của các đơn vị này còn đơn lẻ, chưa có tính tích hợp cao, hầu hết là những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các công ty logistics ở nước ngoài…
Cần phải có chiến lược lâu dài
Ông Nguyễn Phong - PTGĐ Cảng thủy nội địa Hoàng Anh cho biết: Để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng, tỉnh Hải Dương đã và đang tập trung triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh, trình phê duyệt quy hoạch và tập trung triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các trung tâm dịch vụ logistics, các phân vùng phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương và của vùng đồng bằng sông Hồng. Tập trung hình thành hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô lớn tính liên kết cao; phát triển hệ thống kho lạnh trong các trung tâm logistics để đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản của vùng...
Để biến mục tiêu thành hiện thực, Hải Dương đang đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sớm có kế hoạch nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và triển khai Ga liên vận quốc tế tại Cẩm Giàng. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI và các bộ, ngành quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư lớn có năng lực và kinh nghiệm để khảo sát, phát triển trung tâm logistics tại tỉnh, nhất là ở khu vực các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Thanh Hà nhằm khai thác lợi thế nút giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tại thị xã Kinh Môn để khai thác lợi thế kết nối với quốc lộ 5 và kết nối với sông Cấm ra cảng biển Hải Phòng...
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương đã đồng ý chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện Dự án Trung tâm dịch vụ logistics, cảng xăng dầu và hàng hoá, kho xăng dầu, khu dịch vụ thương mại rộng gần 35 ha tại xã Minh Hoà (Kinh Môn). Công ty TNHH Đức Dương làm chủ đầu tư dự án.
Được biết, Dự án Trung tâm dịch vụ logistics, cảng xăng dầu và hàng hoá, kho xăng dầu, khu dịch vụ thương mại tại xã Minh Hoà (Kinh Môn) do Công ty TNHH Đức Dương làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, sử dụng khoảng 34,6 ha đất ở xã Minh Hoà (Kinh Môn). Mục tiêu đầu tư là xây dựng trung tâm dịch vụ logistics, góp phần phát triển dịch vụ logistics của tỉnh với các dịch vụ tổng hợp, chất lượng cao. Trong đó ưu tiên phục vụ cảng container, hàng xuất nhập khẩu, hàng nông sản và vật liệu rời (than, quặng, vật liệu xây dựng…). Dịch vụ logistics sẽ thông quan khoảng 280.000 TEU hàng container/năm, 1 triệu tấn hàng rời/năm.
Dự án có 3 cầu cảng xăng dầu và hàng hoá, kho xăng dầu 48.000 m3 và khu dịch vụ thương mại hỗn hợp rộng 3,3 ha. Để triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh giao UBND thị xã Kinh Môn rà soát, cập nhật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận bổ sung khu đất xây dựng dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn thị xã Kinh Môn rà soát, điều chỉnh và tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét vấn đề liên quan tới đất đai. Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh văn bản xin ý kiến Bộ Công thương về xác định vị trí cụ thể kho xăng dầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề án và các thủ tục liên quan...
Ông Nguyễn Đức Tâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đức Dương cho biết theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030 thị xã Kinh Môn sẽ là đô thị loại III, thành lập TP Kinh Môn, định hướng phát triển tổng hợp đa ngành với các trung tâm kinh tế lớn.
Cũng theo quy hoạch này, tại xã Minh Hòa sẽ quy hoạch một trung tâm logistics và 1 kho xăng dầu dung tích khoảng 48.000 m3. Ngành logistics trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều thế mạnh, tiềm năng nhưng chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Hiện dịch vụ logistics ở Hải Dương chủ yếu thực hiện thông qua một cảng cạn ICD ở TP Hải Dương. Để góp phần thực hiện mục tiêu quy hoạch tỉnh, doanh nghiệp đã khảo sát, tích cực phối hợp với địa phương và các sở, ngành của tỉnh để lập dự án và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết trong thời gian tới, Hải Dương sẽ tập trung thu hút đầu tư để triển khai xây dựng trung tâm logistics lớn của tỉnh.Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong quản trị logistics, phát triển logistics, quan tâm thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp uy tín đến với tỉnh Hải Dương, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các nghiệp vụ kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực kinh doanh logistics nội địa và quốc tế…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...