Trao đổi với DĐDN, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: Hàng rào kỹ thuật về môi trường, phát triển bền vững với hàng hoá xuất khẩu toàn cầu, trong đó có sản phẩm của Việt Nam ngày càng chặt chẽ, khắt khe. Trước mắt, ngay từ năm 2015 với nông sản xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu của quy định chống phá rừng của châu Âu.

- Các mốc thời gian để doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện yêu cầu kỹ thuật về phát triển bền vững đang đến rất gần. Ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp?

Sau nông sản, từ năm 2026, nhiều mặt hàng khác như sắt thép, xi măng, phân bón… xuất khẩu vào châu Âu phải có báo cáo giảm phát thải. Tại thị trường lớn này, tiêu chuẩn xanh đã trở thành số một, sau đó mới đến chất lượng và giá thành; không tuân thủ, doanh nghiệp có thể mất đơn hàng một cách nhanh chóng. Ngoài châu Âu, các nước Anh, Mỹ đã và đang gấp rút xây dựng các cơ chế tương tự.

Do vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nâng cao ý thức về phát triển bền vững và xác định chắc chắn phải thực hiện các hành động khí hậu để giảm phát thải cũng như giảm tác động bất lợi của biến đổi khí hậu với hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế tại một số doanh nghiệp có phát thải lớn, chúng tôi ghi nhận đã thực hiện kiểm kê và sẵn sàng công bố báo cáo. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là khó khăn lớn. Ngoài nguồn lực hạn chế, việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững phải đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật cần hướng dẫn cụ thể cũng như chuẩn bị nhân sự thực hiện.

Liên kết doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Chi phí cho chuyển đổi xanh luôn được xem là khoản đầu tư đối với doanh nghiệp. (Chế biến bột rau má theo hướng hữu cơ tại tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm, Quảng Xương, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Tuấn)

- Đề cập đến những khó khăn, không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang lúng túng thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính - lĩnh vực mới nhưng quan trọng để giảm phát thải. Khó khăn này được nhận diện thế nào, thưa ông?

Theo quy định, có 1.912 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Con số này trong thời gian tới dự kiến tăng thêm 1.000 cơ sở. Các doanh nghiệp phải báo cáo trước tháng 3/2025. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng dự kiến yêu cầu ít nhất 150 doanh nghiệp thực hiện báo cáo này trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay không nhiều doanh nghiệp ý thức được trách nhiệm của mình, trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với khó khăn lớn. Như tôi đã đề cập, bên cạnh yêu cầu liên quan đến tuân thủ quy định, đây là nội dung mới, phức tạp nên doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ hướng dẫn để hiểu được cách thức kiểm kê cũng như hình thành tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy, nhiều doanh nghiệp dành nguồn lực cho các hoạt động bảo tồn môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội… nhưng đáng tiếc, nguồn lực quan trọng này chưa được đưa vào báo cáo giảm phát thải, kiểm kê khí nhà kính theo một cách chuẩn tắc nhất. Vẫn còn doanh nghiệp thực hiện các hoạt động theo quan điểm truyền thống, cho rằng đây là làm từ thiện hoặc thể hiện trách nhiệm với xã hội nên làm được cái gì thì tốt, không làm được thì thôi chứ chưa tuân thủ theo tiêu chuẩn của báo cáo phát triển bền vững. Thực tế này đang khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi, những nỗ lực bỏ ra chỉ được tính là khoản chi phí chứ chưa được trả về đúng nghĩa là khoản đầu tư chiến lược.

- Những nguồn lực đầu tư cụ thể doanh nghiệp có thể tiếp cận từ việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững là gì, thưa ông?

Việc ghi nhận đầy việc giảm phát thải carbon từ tiền dự án, trong quá trình triển khai dự án và kết thúc dự án có ý nghĩa quan trọng. Bởi khi những nỗ lực trên được công nhận sẽ hình thành tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon định giá theo chi phí bỏ ra, không chỉ góp phần nâng cao giá trị, vị thế của doanh nghiệp mà còn mang đến nguồn lực lớn khi được giao dịch trên thị trường. Các định chế tài chính thiết kế để chi phí doanh nghiệp bỏ ra chuyển đổi xanh, giảm phát thải được bù đắp hoàn toàn bằng bán tín chỉ carbon. Vì vậy, doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo phát triển bền vững, báo cáo giảm phát thải theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu để được ghi nhận và thu hồi kinh phí đầu tư cho môi trường, giảm phát thải. Vì thế, lâu nay chúng tôi nhấn mạnh, chi phí cho chuyển đổi xanh luôn được xem là khoản đầu tư.

Trong thời gian tới, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tập trung nỗ lực nâng cao nhận thức và hướng dẫn của doanh nghiệp. Đồng thời, hướng các hiệp hội doanh nghiệp kết nối, liên kết đi cùng nhau để đối phó với quy định mới của thương mại và đầu tư toàn cầu. Với các doanh nghiệp, cần hiểu rằng, có những quy định về môi trường và phát triển bền vững được đưa ra rất chặt chẽ vì nỗ lực của toàn cầu là giảm phát thải thực tế. Do đó, việc doanh nghiệp ý thức được công việc: viết ra những gì sẽ làm, làm những gì đã viết và viết lại những gì đã làm theo đúng báo cáo tiêu chuẩn toàn cầu là cần thiết và quan trọng để giảm chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ông ông!