Cảng thủy nội địa Ninh Giang sẽ mang lại nhiều hiệu ứng dây chuyền tốt cho các ngành công nghiệp, sản xuất của tỉnh Hải Dương và khu vực.
Cảng Ninh Giang gần 1.500 tỷ đồng
Đây là dự án do Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) đề xuất để mở rộng mạng lưới logistics của VIMC ra các tỉnh, thành khu vực phía Bắc nói chung, đặc biệt là tỉnh Hải Dương nói riêng. Khi đi vào hoạt đông, Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang sẽ cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở huyện Ninh Giang và các khu vực lân cận, như: lưu kho, lưu bãi hàng hoá, bốc xếp, vận tải bằng đường thuỷ, đường bộ, thông quan hải quan, bảo dưỡng, sửa chữa vỏ container, phương tiện vận tải…, giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương với hệ thống cảng biển VIMC tại khu vực Đình Vũ, Lạch Huyện…
Công trình còn tăng cường khả năng kết nối, phát triển chuỗi cung ứng logistics từ tỉnh Hải Dương đến cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, từ đó kết nối hàng hóa đi/ đến các tỉnh thành trong nước và xuất nhập khẩu quốc tế.
Theo phê duyệt, dự án sẽ được thực hiện trong vòng 50 năm, tính từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư. Quá trình xây dựng sẽ chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng các hạng mục công trình bao gồm công trình thủy công, khu vực hậu cần ngoài đê, khu hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục khác, dự kiến hoàn thành trong quý I/2027. Giai moan 2 sẽ xây dựng các hạng mục công trình bao gồm khu kho bãi, khu văn phòng, khu hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục công trình khác. Dự kiến, quý IV/2028 sẽ xây dựng hoàn thành và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động khu vực trong đê.
Việc hình thành Trung tâm logistics, cảng thủy nội địa Ninh Giang sẽ mang lại nhiều hiệu ứng dây chuyền tốt cho các ngành công nghiệp, sản xuất của tỉnh Hải Dương và khu vực như: đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu giữ hàng hóa cho hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp liền kề. Đặc biệt là đối với các mặt hàng có nhu cầu vận thủy lớn như: chế tạo, lắp ráp kết cấu thép, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công đồ may mặc, da giày và nguyên phụ liệu, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, thức ăn gia súc.
Đặc biệt, dự án sẽ tạo thêm công ăn việc làm trực tiếp cho lao động địa phương và hàng nghìn lao động gián tiếp tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương và vùng lân cận. Thu hút thêm các nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ dịch vụ cảng, logistics, qua đó góp phần nâng cao dân trí, tay nghề của lao động địa phương.
Về phía Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu nhà đầu tư tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, môi trường, giao thông đường thủy, phòng chống thiên tai, phòng cháy chữa cháy và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình triển khai dự án.
Hải Dương quy hoạch mạng lưới đường thuỷ nội địa như thế nào?
Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia sẽ phát triển theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Hải Dương dự kiến quy hoạch 20 tuyến đường thủy nội địa và 67 cảng thủy nội địa. Trong đó có 2 tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia chạy qua địa phận Hải Dương, gồm: tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì và tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình.
Về cảng thủy nội địa, gồm cụm cảng sông Kinh Thầy - Kinh Môn - sông Hàn Hải Dương uy hoạch 31 cảng. Cụm cảng sông Thái Bình, quy hoạch 5 cảng và cụm cảng sông Luộc gồm 2 cảng có tổng công suất dự kiến đạt 18 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, Hải Dương còn quy, phát triển 12 tuyến đường thủy nội địa trên tuyến sông trung ương quản lý có tổng chiều dài 296,5km và 6 tuyến đường thủy nội địa trên sông địa phương quản lý có chiều dài 122km.
Theo ông Nguyễn Chính Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hòa HD ở huyện Thanh Hà - doanh nghiệp chuyên vận tải thủy nội địa, trong chuỗi logistics xanh, vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải đang được tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam nỗ lực xây dựng và phát triển. Việc tận dụng ưu thế địa lý, điều kiện tự nhiên của Hải Dương và các lợi thế của vận tải thủy để nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa là rất cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Cảng thủy nội địa Hoàng Anh, hàng hóa chính được bốc xếp tại cảng Hoàng Anh là nông sản, thức ăn chăn nuôi như lúa mạch, bã đậu tương rời… phục vụ cho các nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp của Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. Từ khu vực cảng này, theo dòng sông Thái Bình, những con tàu tỏa đi muôn hướng…
Thực tế cho thấy, Hải Dương đang nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển giao thông đường thủy nội địa, khi có hệ thống sông phân bố đều khắp các địa phương, kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và các vùng trong cả nước. Bên cạnh đó là hệ thống báo hiệu trên các tuyến sông đã tương đối hoàn thiện. Hành lang các tuyến sông đang được cắm mốc giới quản lý đầy đủ. Điều đó có thể khẳng định, trong tương lai những định hướng phát triển giao thông vận tải thủy nội địa ở Hải Dương, hứa hẹn sẽ phát huy tiềm năng để ngành này tỏa đi muôn hướng. Tuy nhiên, sản lượng và thị phần của vận tải thủy nội địa tại Hải Dương vẫn còn khá khiêm tốn ở con số 40-60 triệu tấn/năm.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện nay có khoảng 99% sản lượng container (container hàng và container rỗng) đang được vận chuyển bằng đường bộ đi và về các cảng khu vực Hải phòng, Lạch Huyện từ các nhà máy, kho hàng tại các tỉnh, thành phía Bắc, mà trọng điểm là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…
Hệ thống đường bộ khu vực phía Bắc với ba trục giao thông chính là Quốc lộ 5, quốc lộ 5B và quốc lộ 18 kết nối khu vực công nghiệp trọng điểm với các cảng biển tại Hải Phòng đang bị quá tải, dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, chi phí logistics tăng cao cho doanh nghiệp và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, so với các phương thức vận tải khác, vận tải đường thủy nội địa chi phí thấp, nhất là đối với cự ly vận chuyển dài, vận tải hàng hoá siêu trường, siêu trọng, hàng container và hàng có khối lượng lớn.
Thế nhưng, nhìn vào cơ cấu bố trí vốn đầu tư cho ngành giao thông vận tải, trong số 5 loại hình vận tải giao thông, loại hình vận tải này nhận được sự đầu tư cũng thấp nhất, chỉ khoảng 1%. Hầu hết những công năng của vận tải đường thủy nội địa là sẵn có do tự nhiên ban tặng.
Vì thế, việc từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện đại, đồng bộ, an toàn, có chất lượng dịch vụ vận tải cao, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa góp phần quan trọng vào giảm chi phí logistics, sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương trong tương lai.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...