Youtube cũng theo chiến lược làm game

YouTube vừa ra mắt dịch vụ game Playbales

Hiện nay chương trình Playables của YouTube đã có mặt trên các phiên bản ứng dụng điện thoại và máy tính. Để chơi, người dùng chỉ cần truy cập website hoặc ứng dụng YouTube và tìm tính năng Playables ở thanh công cụ sidebar. YouTube cho phép người chơi lưu lại tiến trình và những số điểm cao. Tính đến thời điểm hiện tại, Playables có hơn 75 games, từ cờ vua, ô chữ, cho đến các tựa games nổi tiếng như Angry Birds Showdown!, Trivia Crack, hay Cut the Rope.

Trên thực tế, YouTube đã bắt đầu lấn sân lĩnh vực games từ năm ngoái, khi cung cấp Playables cho những người dùng YouTube Premium. Tuy nhiên lúc ấy số lượng trò chơi không nhiều, chỉ được triển khai trong thời gian tương đối hạn chế và đã kết thúc vào tháng 3 năm nay.

Giới quan sát chỉ ra rằng chiến lược bành trướng sang thị trường games của YouTube không phải là quá mới mẻ trong làng công nghệ. Trước họ đã có nhiều cái tên dùng games như một biện pháp giữ chân người dùng, chẳng hạn LinkedIn, New York Times, Hearst và Netflix. Thậm chí đến Google, công ty mẹ của YouTube, đã từng nhúng tay vào mảng games từ năm 2019, khi tung ra dịch vụ thuê bao games đám mây Google Stadia. Tuy nhiên dịch vụ này đã ngừng hoạt động trong 2023.

Trong những cái tên kể trên, Netflix dường như là bên bỏ nhiều công sức nhất. Từ giữa năm 2021, lãnh đạo Netflix đã công khai ý định làm games và cho khách hàng của mình chơi miễn phí. Song song đó, họ cũng thâu tóm gần một chục công ty sản xuất games và ra mắt những trò chơi cho riêng mình, chẳng hạn Monument Valley hoặc Tomb Raider. Đến tháng 8/2023, Netflix đã bắt đầu thử nghiệm các games qua đám mây, cho phép người dùng chơi trực tiếp trên TV.

Đến FPT Play, một nền tảng ở thị trường Việt Nam, cũng làm games. Tháng 9/2023, họ đã tích hợp ứng dụng chơi games trực tuyến Eloplay trên ba bộ giải mã của mình gồm FPT Play, FPT Playbox và FPT Play Box S. Ở giai đoạn đầu, Eloplay có 17 trò chơi với nhiều cấp độ. Người chơi có thể chơi một mình, thi đấu đối kháng hoặc theo nhóm tối đa 4 người. Họ có thể sử dụng điều khiển từ xa để chơi, hoặc quét mã QR trên màn hình để tích hợp thêm thiết bị điều khiển từ máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh.

Theo nhận xét của giới quan sát, mục tiêu chung nhất để các nền tảng công nghệ như YouTube hay nền tảng streaming như Netflix mở rộng làm games là để tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút người dùng.

Như Netflix đã từng nói, ở mảng “giải trí trước màn hình”, chỉ có games mới là đối thủ đáng gờm của những dịch vụ phát phim trực tuyến như họ. Vậy nên Netflix đã không ngần ngại tích hợp luôn đối thủ vào nền tảng, như vậy sẽ giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái của mình. Hay nói cách khác, khi người dùng chán xem phim, họ có thể chuyển qua chơi games, nhưng tất cả đều trên cùng một nền tảng. Mục tiêu này của Netflix cũng không khác biệt là bao so với điều mà YouTube đang nhắm đến khi thực hiện chiến lược tương tự.

Một khi đã giữ chân người dùng cũ và (có thể) thu hút thêm người dùng mới, thì chắc chắn doanh thu hoặc những lợi ích họ có thể khai thác sẽ tăng lên. Đó chính là điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn đạt được, đặc biệt trong một thị trường nơi các ứng dụng giải trí quá đông đúc.