Tăng cường “sinh lực” cho doanh nghiệp

Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc quốc gia của Intel Việt Nam cho biết: kinh tế toàn cầu đang phụ thuộc lớn vào con chíp, vào bán dẫn. 5 năm trước, các thiết bị được kết nối xung quanh chúng ta chỉ tăng lên 4 lần nhưng, trong 10 năm tới, con số này được dự báo tăng lên đến 15 lần.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị kết nối, công nghệ nói chung và các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng ngày càng được sử dụng phổ biến hơn trên thế giới ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Thậm chí, có cả những ngành nghề nghe có vẻ xa lạ như bảo tồn văn hoá.

Vì sao văn hoá doanh nghiệp trở nên quan trọng hơn trong thời đại AI?

Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc quốc gia của Intel Việt Nam

Các thiết bị sử dụng AI từ máy tính cá nhân, thiết bị di động cá nhân đến trung tâm dữ liệu lớn, các phương tiện vận tải như ô tô. Đặc biệt, sản phẩm ô tô điện đang rất thịnh hành hiện nay có thể nói là sự kết hợp của rất nhiều thiết bị kết nối chứ không đơn thuần là sản phẩm cơ khí.

Theo ông Phùng Việt Thắng, AI đem lại rất nhiều giá trị, chủ yếu công nghệ phục vụ con người. Trong đó, 3 khía cạnh AI có thể hỗ trợ doanh nghiệp khá hiệu quả. Đó là AI mang đến khả năng làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn; chất lượng hơn, chính xác hơn và giảm thời gian, tiết kiệm chi phí.

Với lợi ích lớn như trên, các tập đoàn toàn cầu, trong đó có Intel đã sớm ứng dụng AI từ nhiều năm trước. Giám đốc quốc gia của Intel Việt Nam nhấn mạnh: trong doanh nghiệp, bằng công cụ tính toán, AI tạo nên sự khác biệt lớn, giúp hỗ trợ tối ưu dây chuyền sản xuất, tiết kiệm rất nhiều chi phí vận hành sản xuất, đặc biệt trong chuỗi cung ứng. AI cũng hỗ trợ việc mua sắm nguyên nhiên vật liệu đầu vào phù hợp nhất theo từng thời điểm, từng nhu cầu sản xuất.

Không chỉ tạo ra công nghệ, ngay chính tại doanh nghiệp công nghệ, AI được sử dụng phổ biến trong việc tạo ra môi trường làm việc để mỗi cá nhân có thể phát huy được năng lực, có cơ hội phát triển theo cách mong muốn, đóng góp giá trị chung cho tập thể, có định hướng phát triển trong tương lai… một cách chủ động.

Sự phát triển của công nghệ hỗ trợ giải phóng thời gian, công sức để con người làm việc tốt hơn. Vì vậy, thay vì tâm lý lo ngại công nghệ sẽ lấy đi việc làm ở một số bộ phận, ông Phùng Việt Thắng cho rằng, cần tận dụng và làm chủ được công nghệ để giúp chúng ta làm việc hiệu quả, chất lượng, nhanh chóng hơn.

Ứng xử hài hoà giữa công nghệ và con người

Đồng quan điểm, bà Định Thị Thuý - CEO của công ty CP Misa cho biết, các công ty công nghệ hiện đều có bộ phận nghiên cứu về AI không chỉ để phát triển các sản phẩm công nghệ mà trước hết để phục vụ, hỗ trợ hoạt động điều hành, vận hành, quản trị của chính doanh nghiệp.

Tại Misa, khi AI được ứng dụng đã giúp công ty nâng cao năng suất, tối ưu đội ngũ. Cụ thể, trước đây doanh nghiệp này có 42 người làm kế toán nhưng hiện nay, bộ phận này chỉ còn gần 20 người. Hay mỗi văn phòng trung tâm có 1 nhân viên tính lương nhưng nhờ công cụ và hệ thống AI công ty chỉ có 2 nhân sự có thể tính được lương, toàn bộ chi phí cơ bản cho với gần 3.000 nhân viên.

Vì sao văn hoá doanh nghiệp trở nên quan trọng hơn trong thời đại AI?

Cần tận dụng và làm chủ công nghệ để giúp chúng ta làm việc hiệu quả, chất lượng, nhanh chóng hơn

CEO của Misa nhấn mạnh: không chỉ tăng năng suất cho doanh nghiệp, AI có thể giúp năng lực làm việc của mỗi nhân sự tăng 2-3 lần và đang kỳ vọng có thể tăng tỷ lệ này lên gấp 5-10 lần. Ngoài ra, AI được Misa nghiên cứu đưa vào công cụ chatbot tư vấn hỗ trợ khách hàng nên dù khách hàng có tăng thêm, công ty không cần tăng nhân viên tư vấn mà vẫn giải quyết được công việc

Lãnh đạo của Misa cũng khẳng định: số lượng nhân sự dôi dư khi ứng dụng công cụ AI không bị sa thải mà công ty đã điều chỉnh, điều chuyển nhân sự sang một số bộ phận khác phù hợp hơn. Điều này cho thấy, nhờ AI, doanh nghiệp có thể tối ưu đội ngũ để nâng cao hiệu quả.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trên, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, cần vượt qua một trong những thách thức lớn khi triển khai AI là sự ngần ngại của người lao động. Sự ngần ngại này có thể đến từ tâm lý lo sợ mất việc, do có thể bị thay đổi sang công việc khác hay phải học thêm kiến thức…

Giải quyết được thách thức trên, văn hoá doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Để không bị thay thế, trước hết doanh nghiệp tổ chức các chương trình đào tạo toàn dân, đại trà, từ các cấp lãnh đạo đến các bộ phận, từng nhân viên. Đồng thời, phát triển các ứng dụng trong doanh nghiệp mang đến trải nghiệm mới mẻ và hạnh phúc cho nhân sự.

Đặc biệt, xu thế công nghệ càng phát triển, truyền thông nội bộ càng cần thiết để thống nhất nhận thức, tư tưởng, từ đó thống nhất và đồng thuận thay đổi hành vi.

Bà Đinh Thị Thuý kể lại: chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, trong cạnh tranh hiện nay không phải cá lớn nuốt cá bé mà cá nhanh nuốt cá chậm. Nếu không ứng dụng sẽ tụt hậu, còn ngược lại muốn đi nhanh cần thay đổi kịp thời những xu thế công nghệ. Với AI, tuy không thể thay thế được con người nhưng người biết sử dụng AI có thể thay thế được bạn để bạn có động lực thay đổi thông qua tham gia các chương trình đào tạo hoặc tự học, tự nâng cao kiến thức…