Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG với DĐDN.

- Trong nền kinh tế số phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, không thể thiếu được những quyết sách cùng với định hướng chiến lược của các lãnh đạo doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế số?

Tôi cho rằng, đội ngũ doanh nhân hiện nay đang giữ vị trí, vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế số. Họ là một trong những lực lượng nòng cốt không chỉ góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà còn là nền tảng cốt lõi không thể thiếu trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã làm rạng rỡ trí tuệ, nghĩa khí, tài năng Việt Nam khi tên tuổi đã vượt ra ngoài đất nước, xếp hạng cùng những doanh nhân lớn trên thế giới.

Ngày nay cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng về số lượng. Bản thân tôi là một doanh nhân tôi luôn quan tâm, chú trọng đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, đổi mới phương pháp quản trị công ty theo công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống của người lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ, quyền lợi, đảm bảo 100% lao động có việc làm ổn định, đóng BHXH theo đúng quy định của pháp luật. Hoàn thành nộp ngân sách nhà nước, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Tinh thần doanh nhân trong nền kinh tế số

TNG chú trọng đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh.

- Để thực hiện phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo mục tiêu của 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 41-NQ/TW đề ra, ông có những góp ý nào cần đề xuất?

Tôi hoàn toàn nhất trí với những mục tiêu của 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 41 đề ra. Tuy nhiên tôi mong muốn Chính phủ sẽ xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, khuyến khích doanh nhân ở tất cả các lĩnh vực. Mặt khác có chính sách hỗ trợ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới…

Đồng thời, khuyến khích doanh nhân thành đạt tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh sản xuất. Cần đa dạng hoá các hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Các cơ quan ban ngành cần triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực cho doanh nhân, doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do và cam kết của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Với xu hướng xanh hóa, giảm phát thải ròng và phát triển bền vững, TNG đã thực hiện kế hoạch này ra sao, thưa ông?

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự thay đổi về môi trường và xã hội đã dần trở thành trọng tâm trong các giá trị của TNG và doanh nghiệp luôn cố gắng thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm cả 3 khía cạnh: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Hiện nay, khi phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đang là xu hướng của thế giới thì TNG đang và sẽ tích cực hơn nữa trong việc chuyển đổi xanh, đầu tư, tập trung thúc đẩy, thực hành tốt tiêu chí ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Để nâng cao hiệu suất ESG, TNG đưa ra một số kế hoạch cụ thể.

Với trục E - Môi trường: Công ty thực hiện thay thế toàn bộ hệ thống lò hơi đốt than trong năm 2024. Triển khai xây dựng dự án nhà máy nước sạch có diện tích >4000m2, công suất 2800m3/ngày với tổng mức đầu tư là 30 tỷ đồng; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các nhà máy, đầu tư dự án lò Biomass tại Chi nhánh bao bì với tổng giá trị đầu tư trên 10 tỷ đồng. Và để giảm phát thải tiến tới xanh hóa trong sản xuất, chúng tôi đã cho đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái để sử dụng năng lượng tái tạo.

Với trục S - Xã hội: Doanh nghiệp duy trì, tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên, trong số đó, lao động nữ dự kiến chiếm 75% lao động trực tiếp.

Với trục G - Quản trị: Doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tuân thủ và quản lý rủi ro để đảm bảo tuân thủ mọi quy định pháp luật, nghĩa vụ về thuế, ngân sách.

Trong năm 2024, TNG phấn đầu 100% các nhà máy của TNG được lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động nhằm giảm thiểu rủi ro trong PCCC. Để đồng hành cùng tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, từ năm 2024 TNG triển khai 100% công bố thông tin theo song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. TNG xác định phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG là nền tảng cho chiến lược phát triển của TNG. Cùng niềm tin về tương lai phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi tin tưởng các doanh nghiệp nói chung và TNG nói riêng sẽ vững vàng tiến bước với quyết tâm cao để thành công hơn và chia sẻ nhiều giá trị hơn nữa.

- Trân trọng cảm ơn ông!