Chagee manh nha dấu hiệu bước vào thị trường Việt Nam. Với sự xuất hiện của “ông lớn” trà Trung Quốc này, thị trường trà đặc sản mới nổi ở Việt Nam khó tránh khỏi “dậy sóng”.
Chuỗi trà mới nổi Chagee đang tuyển dụng nhân sự, trong đó có cả các vị trí quản lý dự án hay tiếp thị ở Việt Nam. Điều đó cho thấy thương hiệu trà này đang tiến hành những bước đầu tiên để lấn sân sang thị trường Việt Nam.
Chagee là thương hiệu trà hàng đầu Trung Quốc. Tuy còn khá trẻ, ra đời từ năm 2017 ở Vân Nam, thế nhưng Chagee đã tạo được vị thế vững chắc. Tính đến cuối năm 2023, Chagee sở hữu 3.500 cửa hàng trên toàn Trung Quốc và gần 70 triệu thành viên đăng ký ứng dụng. Quý 1/2024, doanh thu của họ đạt 5,8 tỷ NDT, trung bình mỗi cửa hàng đạt 549.000 NDT, vượt xa doanh thu các cửa hàng bán trà uống tại chỗ và Starbucks Trung Quốc.
Không dừng lại ở thị trường nội địa, Chagee còn mở rộng ra nước ngoài, chủ yếu là các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore và mới nhất có thể là Việt Nam. Nếu tính luôn các cửa hàng ngoại quốc, Chagee sở hữu đến 4.500 cửa hàng.
Thị trường mới nổi
Sau những giai đoạn các chuỗi cà phê, trà sữa “làm mưa làm gió” trên thị trường ẩm thực giới trẻ Việt, thời gian gần đây người ta thấy sự trỗi dậy của loại đồ uống mới mà cũ: Trà đặc sản.
Trà đặc sản, hay thường được các chuỗi gọi là trà đậm vị, là những loại đồ uống pha từ trà ô long, thường là trồng ở Lâm Đồng. Khai thác nguồn nguyên liệu này, các thương hiệu trà đậm vị Việt Nam nhanh chóng làm mưa làm gió và làm lu mờ luôn các chuỗi nước ngoài.
Cái tên đầu tiên không thể bỏ qua là Phê La. Thương hiệu này xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Nội tháng 3/2021. Khởi đầu với hình thức mua mang đi, thế nhưng chuỗi nhanh chóng phát triển và đã có 31 cửa hàng trên nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt, v.v.. Hiện nay, Phê La đang đi theo phân khúc cao cấp, mỗi ly đồ uống giá từ 45.000đ. Năm 2023, doanh thu thuần của họ đạt 300 tỷ đồng, bỏ xa những tên tuổi quốc tế từng làm mưa làm gió ở Việt Nam như Gong Cha hay Ding Tea.
Một thương hiệu khác cũng khá nổi bật trong thị trường trà đậm vị là LaSiMi. Nếu Phê La đánh vào phân khúc cao cấp, thì LaSiMi chọn phân khúc bình dân hơn, mỗi ly giá từ 35.000đ đến 45.000đ. Hương vị trà của LaSiMi cũng rất được nhiều đối tượng khách hàng ưa chuộng. Đến nay chỉ sau 2 năm ra mắt thị trường, LaSiMi đã sở hữu hàng chục cửa hàng tại 10 tỉnh thành lớn của Việt Nam.
Oola là một cái tên mới hơn, chỉ vừa xuất hiện từ tháng 3/2023. Thế nhưng họ đã sở hữu gần 40 chi nhánh trên khắp cả nước. Họ chọn phát triển dòng trà ô long đặc sản Bảo Lộc, cho ra những món trà hương vị nhẹ nhàng, không nồng gắt, nguyên bản và mộc mạc. Tương tự LaSiMi, họ cũng chọn phân khúc bình dân để dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn, với giá mỗi ly từ 40.000đ - 55.000đ.
Mới nhất có lẽ La Boong, ra mắt tháng 7/2023. Tuy nhiên đây lại là thương hiệu mở rộng mạnh mẽ nhất với hơn 100 cửa hàng tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc. Họ đi theo hướng “bình dân hóa dòng trà ô long cao cấp”, nắm bắt xu thế chuộng trà thơm nhẹ, thoảng hương trái cây của giới trẻ. Thực đơn của La Boong dao động từ 20.000đ đến 42.000đ.
Có thể thấy, đây là một thị trường tuy mới nổi nhưng lại rất sôi động trong giới trẻ Việt Nam.
"Tay chơi" đáng gờm
Một trong những điểm khiến các chuỗi trà đặc sản Việt thành công nhanh chóng như vậy là họ tiếp thị rất tốt và sáng tạo. Ví dụ như chiến dịch “đón bình minh 4h sáng” đã đưa Phê La lên tốp đầu thảo luận trên mạng.
Đáng chú ý là tiếp thị cũng là một điểm rất mạnh của Chagee. Điểm thu hút của Chagee là kết hợp giữa hương vị truyền thống và hiện đại, mang đến trải nghiệm độc đáo về hương vị.
Thực đơn của họ kết hợp giữa trà truyền thống Trung Quốc và cách pha chế hiện đại. Bên cạnh đó, Chagee cũng chú trọng xây dựng hình ảnh, thiết kế cửa hàng theo hướng hiện đại kết hợp với văn hóa trà Trung Quốc. Một điều thú vị của Chagee là ly của họ có hoa văn rất giống túi xách Dior, khiến nhiều người thích thú.
Chagee mạnh đến nỗi các chuỗi cà phê ở Trung Quốc cũng phải xoay sang bán thêm trà để giữ thị phần. Chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc là Luckin cũng phải tung ra bộ sưu tập đồ uống trà. Hay thậm chí ông lớn cà phê truyền thống là Starbucks cũng vừa phải đi làm trà đặc sản Trung Quốc dưới sức ép của Chagee.
Có thể thấy rằng nếu Chagee đem những điểm đặc biệt này vào thị trường Việt Nam thì chắc chắn sẽ tạo được dấu ấn. Có thể nói thị trường trà đặc sản Việt Nam đã nhộn nhịp nay sẽ càng đông đúc hơn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...