Những vấn đề này sẽ được ông Nguyễn Hoài Chung – CEO Phaata (Sàn giao dịch Logistics Quốc tế đầu tiên của Việt Nam thành công dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.) giải đáp một cách cụ thể trong bài viết dưới đây.
– Ông có nhận định gì về thực trạng chuyển đổi số tại doanh nghiệp logistics hiện nay?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng dần nhận thấy tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số. Theo một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), có đến 87% doanh nghiệp logistics cho rằng công nghệ giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh. Số lượng doanh nghiệp logistics có ứng dụng phần mềm công nghệ chiếm khoảng 40-50%. Nhiều doanh nghiệp logistics đang có những nỗ lực để áp dụng công nghệ trong quản lý, vận hành các hoạt động logistics. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics lớn đã đầu tư mạnh vào việc chuyển đổi số và triển khai nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến như hệ thống quản lý giao nhận (FMS), hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), hệ thống quản lý kho (WMS), hệ thống quản lý vận tải (TMS)…
Tuy nhiên, đến hơn 95% doanh nghiệp logistics của ta có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ (SME). Phần lớn những doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trước xu hướng chuyển đổi số. Họ cho rằng chuyển đổi số chỉ dành các doanh nghiệp logistics lớn, nên chưa quan tâm và vẫn chỉ tập trung vào các hoạt động kinh doanh truyền thống với tầm nhìn ngắn hạn. Vì vậy, nhìn chung, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam còn đang diễn ra chậm và gặp nhiều thách thức.
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp logistics diễn ra còn chậm. Một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số còn hạn chế và họ chưa có chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với tầm nhìn dài hạn. Văn hóa ngại thay đổi, không muốn ứng dụng giải pháp mới và sự thiếu quyết tâm của ban lãnh đạo cũng là một trở ngại lớn. Ngoài ra, thiếu nhân lực đủ chuyên môn để triển khai, nguồn lực về tài chính, thông tin về công nghệ số, trở ngại trong việc tích hợp các giải phải pháp công nghệ mới với hệ thống đang sử dụng và nỗi lo về độ bảo mật thông tin doanh nghiệp…cũng cản bước doanh nghiệp logistics chuyển đổi số.
– Ứng dụng ChatGPT trong các doanh nghiệp logistics đang được thực hiện ra sao, thưa ông?
ChatGPT mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp logistics. Tùy vào khả năng và nhu cầu khác nhau của mỗi doanh nghiệp mà tính ứng dụng của nó sẽ ở các cấp độ khác nhau. Theo tôi, có 3 nhóm ứng dụng chính mà các doanh nghiệp logistics có thể ứng dụng ChatGPT.
Trong lĩnh vực Marketing & Sales, ChatGPT giúp tạo nội dung bài viết tự động như: viết bài PR, Blog, bài viết/quảng cáo đăng trên mạng xã hội; Dịch và tạo nội dung tài liệu đa ngôn ngữ; Soạn email trả lời khách hàng; Soạn nội dung cho bài thuyết trình; Thu thập thông tin khách hàng/đối thủ; Nghiên cứu thông tin thị trường; Giới thiệu dịch vụ của công ty tự động; Báo giá nhanh tự động 24/7; Thu thập thông tin khách hàng tiềm năng; Phân tích dữ liệu; Tạo báo cáo nhanh…
Đối với Dịch vụ khách hàng, ChatGPT có khả năng giúp doanh nghiệp tự động hỗ trợ cho nhiều khách hàng trong cùng một thời điểm; Tương tác và trả lời khách hàng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau; Cập nhật thông tin lô hàng đang vận chuyển (tình trạng vận chuyển, nhiệt độ hàng hóa, vị trí lô hàng, dự kiến ngày hàng đến…) một cách tự động; Cập nhật thông tin về tình trạng hàng hóa/container đang được lưu trữ trong kho/bãi tự động 24/7; Hỗ trợ gợi ý nhanh mã HS code cho khách hàng; Tăng trải nghiệm và chất lượng dịch vụ khách hàng…
ChatGPT cũng hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các chương trình đào tạo e-learning nội bộ cho nhân sự; Giải đáp và hướng dẫn trong nội bộ liên quan đến: kiến thức chuyên môn, quy trình, hướng dẫn, chính sách, quy định… cho nhân viên tự động 24/7.
– Vậy, ông có thể thông tin cụ thể những lợi ích và rủi ro cụ thể khi ứng dụng ChatGPT vào nghiên cứu thị trường, marketing, content, dịch vụ chăm sóc khách hàng,…?
ChatGPT mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp logistics như: Tiết kiệm thời gian và nhân sự khi thực hiện công việc tạo nội dung cho marketing; Tự động hóa dịch vụ khách hàng 24/7 với thông tin nhất quán; Tăng khả năng phục vụ khách hàng với nhiều ngôn ngữ khác nhau; Tiết kiệm thời gian thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu, tạo báo cáo; Tăng trải nghiệm cho khách hàng cũng như tăng chất lượng dịch vụ khách hàng; Tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, ChatGPT cũng có những hạn chế và tiềm ẩn rủi ro. Dữ liệu dùng để huấn luyện cho ChatGPT được Open AI lấy đến thời điểm tháng 9 năm 2021 trở về trước. Vì vậy các thông tin từ ChatGPT có thể sẽ không còn chính xác ở thời điểm gần nhất.
ChatGPT hiện tại không thể hiểu biết sâu và không thể cung cấp thông tin chính xác về ngành logistics, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam. Bị hạn chế trong việc hiểu rõ ngữ cảnh phức tạp hoặc câu hỏi có nhiều ý nghĩa, ChatGPT chỉ tự động tạo nội dung dựa trên sự tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn nhưng không viện dẫn nguồn cụ thể, do đó có thể trả lời không chính xác hoặc không phù hợp. Không có giác quan, cảm xúc, không hiểu hành vi xã hội, và không có trải nghiệm thế giới như con người nên ChatGPT không có khả năng tương tác thực tế giống như con người thật, đặc biệt là không có khả năng tương tác đa chiều.
Các doanh nghiệp logistics cần lưu ý những hạn chế này của ChatGPT để tránh những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình sử dụng.
– Để ứng dụng ChatGPT vào doanh nghiệp logistics một cách hiệu quả, theo ông cần những yếu tố gì?
Để có thể ứng dụng ChatGPT một cách đầy đủ, chuyên sâu và hiệu quả, các doanh nghiệp logistics cần lưu ý một số yếu tố. Cụ thể, cần xác định rõ mục đích sử dụng đối với ChatGPT mà doanh nghiệp muốn hướng đến; Số hóa các dữ liệu phù hợp đúng theo nhu cầu mà doanh nghiệp mong muốn cung cấp cho khách hàng, người dùng. Dữ liệu trong hệ thống thông tin nên được cập nhật theo thời gian thực để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt nhất. Kết nối các dữ liệu này của doanh nghiệp với ChatGPT và tùy chỉnh mô hình phù hợp với ngành logistics; Huấn luyện ChatGPT dựa trên dữ liệu của doanh nghiệp đã được kết nối, đảm bảo câu trả lời của ChatGPT phải chính xác và phù hợp với chuyên ngành logistics, đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của doanh nghiệp; Tích hợp ChatGPT vào hệ thống như website hoặc các ứng dụng của doanh nghiệp để khách hàng/ người dùng có thể chat và gửi yêu cầu hỗ trợ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Các khách hàng/ người dùng của doanh nghiệp sẽ có các mức phân quyền truy cập thông tin phù hợp.
Cuối cùng là theo dõi, đánh giá và cải thiện ChatGPT liên tục để đảm bảo hiệu quả và sự trả lời chính xác trong lĩnh vực chuyên ngành. Những phản hồi từ khách hàng và nhân viên logistics có thể được thu thập và sử dụng để huấn luyện, cải thiện ChatGPT ngày càng hiệu quả hơn.
Tôi cho rằng công nghệ là công cụ hỗ trợ để giúp tăng cường khả năng và hiệu suất làm việc của con người. Công nghệ có thể tự động hóa những công việc đơn giản, nhưng trong những tình huống phức tạp và đòi hỏi khả năng linh hoạt, sáng tạo và trực quan thì vẫn cần sự tham gia và quyết định của con người. Ngoài ra, con người có những khả năng đặc biệt như khả năng tương tác xã hội và có nhận thức. Những khả năng này thì không thể được thay thế bởi công nghệ.
Công nghệ có thể làm thay đổi hành vi và cách làm việc của con người. Một số công việc có thể bị thay thế bởi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong suốt quá trình này, nhiều công việc mới cũng sẽ xuất hiện với những yêu cầu về kỹ năng mới và năng lực mới mà con người phải phát triển để thích nghi với thời đại mới.
– Xin cảm ơn ông!