Lạc quan về sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm nhưng doanh nghiệp chế biến chế tạo mong được tiếp cận vốn vay ưu đãi nhanh chóng hơn.
Doanh nghiệp lạc quan về sản xuất kinh doanh
Tuy vậy, 82,6% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tình hình quý 4 vẫn khá lạc quan, hoạt động sản xuất tốt hơn và giữ ổn định; chỉ có 17,4% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát quý III/2024, có 77,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý II/2024; 22,6% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất trang phục có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới quý III/2024 so với quý II/2024 tăng cao nhất với 47,2%. Ngược lại, ngành sản xuất đồ uống có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 32,5%.
Dự báo quý IV/2024 so với quý III/2024, 83,8% doanh nghiệp dự báo đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên (40,5% tăng, 43,3% giữ nguyên); 16,2% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Với đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp dự báo quý IV khả quan hơn với 83,6% doanh nghiệp dự báo đơn hàng tăng và giữ nguyên so với quý III (36,0% tăng, 47,6% giữ nguyên); chỉ có 16,4% doanh nghiệp dự báo giảm.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến chế tạo, trong quý III, khó khăn lớn nhất vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, có 53,0% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.
Đánh giá về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, vốn vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp với 27,5% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 21,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao và vẫn còn 3,2% doanh nghiệp không có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn vay.
Thêm vào đó là những khó khăn do không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu; thiếu nguyên nhiên vật liệu đầu vào hay thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu nhưng chưa có vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn…
Hỗ trợ tiếp cận vốn vay nhanh chóng
Nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong các quý tiếp theo, 43,4% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; 33,9% doanh nghiệp kiến cần có các chính sách để bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng và 25,4% doanh nghiệp kiến nghị ổn định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, 20,5% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic; 19,6% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất…
Đối với thị trường đầu ra, để góp phần tăng khối lượng đơn hàng, 21,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Ngoài ra, 25,9% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp được rút ngắn đến mức tối đa.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, có 24,9% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, điều kiện vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp tiếp cận vốn kịp thời và hiệu quả hơn.
Cùng với đó, để thích ứng tốt hơn với điều kiện và yêu cầu đầu ra ngày càng cao, 20,5% doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng; 10,2% doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu mới bảo vệ, phòng vệ thương mại, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn…; 9,6% doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ chuyển đổi số…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...