Giải thể hai công ty con
Mới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc giải thế CTCP 4KFarm và CTCP Logistics Toàn Tín với lý do là để tái cơ cấu lại nhóm các công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.
Theo đó, CTCP 4K Farm được thành lập ngày 18/09/2020, kinh doanh trong lĩnh vực trồng và chế biến nông sản. 4K Farm được Thế Giới Di Động thành lập với mục đích chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn 4 “không”. Cùng với đó là cung cấp đa dạng sản phẩm nông nghiệp sạch cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà điển hình là một trong những nhà cung cấp rau chính cho Bách hóa Xanh.
Mặc dù theo dữ liệu mới nhất tính đến ngày 09/05, 4K Farm vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế công ty này cơ bản đã ngừng hoạt động vào cuối năm 2023, do kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng và chưa phù hợp với định hướng phát triển chung của tập đoàn.
Còn với CTCP Logistics Toàn Tín, được thành lập vào ngày 10/11/2021 và kinh doanh trong lĩnh vực kho vận. Công ty con này chuyên cung cấp dịch vụ logistics, quản lý kho vận cho các công ty trong TGDĐ và cung cấp một tỷ lệ nhỏ doanh thu cho khách hàng bên ngoài.
Theo thông tin mới nhất tính đến ngày 09/05, công ty hiện vẫn còn đang hoạt động. Tuy nhiên, TGDĐ cho biết Logistics Toàn Tín đang trong quá trình tái cấu trúc, chuyển hoạt động sang khối chuyên trách trong các công ty thành viên khác của tập đoàn nhằm tối ưu việc hỗ trợ từng công ty con.
Vượt qua sóng gió?
Trên thực tế, trong bối cảnh kinh doanh thay đổi ngày nay, tái cơ cấu doanh nghiệp là một chiến lược quan trọng để các doanh nghiệp có thể đi trước đối thủ hoặc vượt qua khó khăn. Bởi khi những đám mây bão tụ lại và cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ khiến các công ty gặp khó, đó là lúc cần có sự thay đổi về chiến lược.
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh doanh là một chuyến đi dài, đầy sóng và gió. Ngay cả những con tàu chắc chắn nhất cũng có thể bị rò rỉ theo thời gian. Việc tái cấu trúc đóng vai trò như một sự sửa chữa và đổi mới hoàn chỉnh để vá những lỗ hổng đó để đối mặt với những làn sóng của sự thay đổi. Bằng cách định hình lại các phòng ban, tài sản, ngân sách và tinh gọn lại tổ chức, các công ty tự biến mình thành những con tàu nhanh nhẹn, sẵn sàng cưỡi sóng, vượt gió.
Trong quá khứ, đã có không ít những gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ buộc phải tái cấu trúc khi doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng, niềm tin của các nhà đầu tư bị xói mòn. Từ Walmart, Alibaba cho đến Amazon đã từng gặp phải những khó khăn khi doanh số sụt giảm và những khoản nợ khổng lồ, buộc phải tái cơ cấu giúp họ giảm bớt gánh nặng để có thể vạch ra lộ trình mới hướng tới sự an toàn.
Với TGDĐ thời điểm này cũng vậy. Công ty đã đưa ra nhận định năm 2023, thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng kém khả quan, khiến tình hình tiêu thụ giảm đáng kể ở hầu hết các ngành hàng, đặc biệt giảm mạnh ở các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm công nghệ và điện máy, vốn là những mảng đóng góp hơn 70% tổng doanh thu của tập đoàn.
Năm nay, họ tiếp tục nhận diện tình hình sức mua trì trệ có thể sẽ là xu hướng kéo dài nên đã quyết định thực hiện thay đổi chiến lược, ưu tiên giữ chân khách hàng để duy trì doanh thu và nỗ lực tăng trưởng thị phần, chấp nhận đánh đổi mục tiêu lợi nhuận. Và việc tái cấu trúc của họ đã bắt đầu với việc đóng cửa hàng trăm cửa hàng hoạt động không hiệu quả của Bách Hóa Xanh đã từ lâu.
Thời điểm này, TGDĐ tiếp tục cho thấy việc mình sẵn sàng tìm kiếm sự tinh gọn trong cơ cấu tổ chức. Và động thái giải thể các công ty con hoạt động không hiệu quả thời điểm này tiếp tục cho thấy cuộc tái cấu trúc mạnh mạnh mẽ hơn nữa, nhằm tối ưu việc vận hành của họ.
Nhìn chung, hầu hết việc tái cấu trúc doanh nghiệp đều hướng đến sự linh hoạt. Việc này nếu được thực hiện đúng cách có thể khiến các doanh nghiệp vượt khó. Đó cũng có thể là những toan tính của TGDĐ khi tập đoàn này buộc phải cắt bỏ những thứ không hiệu quả, và 4K Farrm cùng Logistics Toàn Tín là những nhân tố nằm trong vòng xoáy tái cấu trúc.