LTS: Thiếu đơn hàng, vốn, thủ tục hành chính… là những thách thức cơ bản khiến doanh nghiệp kiệt sức. Các đề xuất cởi bỏ lực cản tăng trưởng của doanh nghiệp cũng tập trung vào nhóm vấn đề trên.
Trao đổi với DĐDN, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết: trong giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp đang chắt chiu từng đơn hàng, từng cơ hội để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Các doanh nghiệp gỗ đã nỗ lực giữ khách hàng, giữ đơn hàng như thế nào, thưa ông?
Cũng như nhiều ngành xuất khẩu chủ lực khác, thời gian qua các doanh nghiệp gỗ không có nhiều đơn hàng do tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát, cầu tiêu dùng trên thế giới suy giảm. Trong đó, đơn hàng giảm mạnh nhất ở Mỹ – thị trường lớn nhất của ngành gỗ; các thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc hay châu Âu cũng bị tác động nhưng không quá lớn. Để bù đắp, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đơn hàng, tiếp cận thị trường tiềm năng.
Tuy nhiên, việc này không phải dễ thực hiện trong ngắn hạn, cần xem xét năng lực, quy mô nhập khẩu của từng thị trường. Thời điểm này, doanh nghiệp không tính toán quá nhiều đến lợi nhuận mà chắt chiu từng đơn hàng, từng cơ hội ở các thị trường để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để giữ lao động…
– Theo ông, những giải pháp nào doanh nghiệp đang trông đợi để vượt qua những khó khăn trước mắt này?
Biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là sử dụng công cụ tài khoá hỗ trợ trực tiếp như giảm lãi suất; giảm, giãn hoãn các loại thuế phí. Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành gỗ mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ ngành vận dụng chính sách tài khoá mở rộng linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn các chính sách này sớm được triển khai nhanh chóng với những thủ tục thông thoáng, dễ thực hiện.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành. Với ngành gỗ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ KH&ĐT đã làm việc để xem xét phương án tái cấu trúc thời hạn trả nợ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp gỗ vốn là khách hàng lớn của nhiều ngân hàng nên việc xây dựng phương án tái cấu trúc thời hạn trả nợ được thực hiện trên tinh thần cộng sinh, chia sẻ vừa hạn chế rủi ro cho ngân hàng vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giãn, hoãn các khoản nợ. Chúng tôi đề nghị ngân hàng cân nhắc kỹ từng doanh nghiệp, có thể xem xét dựa trên hoạt động và lịch sử dòng tiền thay vì những yêu cầu như phải có hợp đồng mới hay chu chuyển tiền hàng sẽ khó khả thi trong giai đoạn doanh nghiệp thiếu đơn hàng như hiện nay.
Ngoài ra, trong công điện mới nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hoàn thuế VAT bị kẹt cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Khó khăn này được tháo gỡ chính là khơi thông nguồn lực rất lớn bị kẹt lâu nay để tạo thêm dòng vốn cho doanh nghiệp.
– Trong khó khăn, doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã và đang tái cấu trúc, các doanh nghiệp ở ngành gỗ hẳn cũng không phải là ngoại lệ, thưa ông?
Trao đổi với Vifores mới đây, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đánh giá cơ hội xuất khẩu cho ngành gỗ và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp mở rộng thị trường. Chẳng hạn, tại châu Âu – nền kinh tế lớn này phục hồi rất nhanh, nhu cầu nhập khẩu gỗ dự báo tăng. Các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường, các thay đổi chính sách để đáp ứng đúng nhu cầu; tăng cường liên kết đảm bảo quy mô và ổn định cho chuỗi cung ứng; đầu tư xây dựng thương hiệu…
Các doanh nghiệp gỗ đang nhìn nhận khả năng nội tại tiếp tục tái cấu trúc để tiếp cận, nắm bắt cơ hội phục hồi. Chúng tôi tin rằng, những khó khăn khách quan ngành gỗ đang đối mặt chỉ mang tính nhất thời, nhu cầu thế giới với mặt hàng gỗ vẫn còn bởi đây là sản phẩm được khuyến khích sử dụng. Không chỉ tại châu Âu, dự kiến sang năm sau, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn có thể sẽ sớm trở lại.
– Xin cảm ơn ông!