Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, sạt lở đất sau siêu bãi Yagi.
Nghị quyết số 143 của Chính phủ được ban hành nhanh chóng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh và chỉ rõ nhiệm vụ của từng Bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, sạt lở đất sau siêu bãi Yagi. Bộ Tài chính cho biết doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế hai năm, giảm tới 30% thuế tiêu thụ đặc biệt. Hộ, cá nhân kinh doanh được miễn giảm thuế.
Bão số 3 đã khiến doanh nghiệp này thiệt hại hơn 180 tỷ đồng. Việc Chính phủ ban hành chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế là trợ lực quan trọng cho các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau bão lũ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc Công ty đóng tàu Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: “Đó là một chủ trương rất kịp thời giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhanh chóng được ổn định và phục hồi”.
Bà Hoàng Thị Thắm – Kế toán trưởng Công ty HUADE HOLDINGS Việt Nam, TP. Hải Phòng chia sẻ: “Trang trải được các chi phí trước mắt để doanh nghiệp kịp thời đi vào sản xuất. Chính sách này giảm bớt gánh nặng nộp thuế cho công ty”.
Doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế hai năm, giảm tới 30% thuế tiêu thụ đặc biệt
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế. Cục Thuế 26 tỉnh đã có nhiều nhiều biện pháp để các chính sách này đến ngay với người nộp thuế.
Theo ông Vũ Huy Khuê – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của bão lũ sẽ được gia hạn nộp thuế, gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, miễn tiền chậm nộp, miễn phạt vi phạm hành chính.
“Các thủ tục, hồ sơ cần triển khai thực hiện chúng tôi công khai trên các trang thông tin và hướng dẫn trực tiếp cho người nôp thuế. Trường hợp nào thắc mắc chúng tôi cũng có hướng dẫn trả lời bằng điện thoại hay bằng văn bản trực tiếp”, ông Nguyễn Chí Bắc – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh thông tin.
Tuy nhiên, thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn và cần được hỗ trợ từ các nguồn lực khác. Hiện Quỹ phòng chống thiên tai đang tồn trên 2.100 tỷ đồng nhưng phần lớn tồn ở các địa phương không bị ảnh hưởng của bão lũ.
Ông Phạm Đức Luận – Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Theo quy định của Nghị định 78, việc chuyển quỹ từ tỉnh nọ sang tỉnh kia để hỗ trợ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Và chúng tôi sẽ đề nghị các địa phương nếu như số tồn quỹ của địa phương mình lớn thì xem xét, hỗ trợ các địa phương khó khăn”.
Các doanh nghiệp và 26 địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại nhằm kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất và thực thi các chính sách an sinh xã hội.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...