Lộ trình lãi suất trong thời gian tới của Fed, có thể sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % sau cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày tới. Tuy nhiên, lộ trình lãi suất trong thời gian tới của Fed, có thể sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Theo các chuyên gia, cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ đều đang đề xuất những chính sách thúc đẩy tăng trưởng, có thể kìm hãm tiến trình giảm lạm phát. Trong đó, các chính sách của ông Donald Trump được cho là có thể khiến lạm phát gia tăng mạnh mẽ hơn, buộc Fed phải cân nhắc kỹ lưỡng lộ trình lãi suất. Giám đốc chiến lược của JPMorgan Asset Management dự báo, Fed có khả năng tạm dừng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 12, nếu Đảng cộng hòa giành chiến thắng áp đảo, kéo theo các chính sách tài khóa mở rộng hơn, thuế quan và làm tăng thâm hụt ngân sách.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng các điều kiện hiện tại yêu cầu chính sách bớt thắt chặt hơn
Các ngân hàng Trung ương, vốn chi phối hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu, sẽ công bố quyết định lãi suất sau cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Mỹ. Quyết định được kỳ vọng sẽ dựa trên những tín hiệu về định hướng chính sách của Mỹ trong bốn năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump hiện vẫn đang so kè từng chút một trước ngày Bầu cử 5/11, các nhà hoạch định chính sách từ Washington tới London có thể vẫn phải chờ đợi thêm.
Các quan chức Fed cố gắng tránh xa chính trị. Tuy nhiên, họ đã khởi động một chu kỳ cắt giảm lãi suất vào thời điểm cuộc bầu cử tại Mỹ đã cận kề, mà kết quả có thể phụ thuộc vào cảm nhận của cử tri về nền kinh tế. Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng các điều kiện hiện tại yêu cầu chính sách bớt thắt chặt hơn, nhưng ông và các đồng nghiệp vẫn có nguy cơ đối mặt với phản ứng chính trị.
Trong khi đó, ngân hàng Trung ương tại các quốc gia phát triển khác đang đối mặt với một loạt rủi ro từ tăng trưởng kinh tế chậm lại đến lạm phát kéo dài, chưa kể đến những tác động từ lời đe dọa áp thuế của ông Trump đối với thương mại toàn cầu.
Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA tức ngân hàng Trung ương) có thể giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 5/11, vài giờ trước khi các cuộc bỏ phiếu tại Mỹ diễn ra. Trong khi đó, các ngân hàng Trung ương tại Anh, Thụy Điển, Cộng hòa Czech và nhiều nơi khác dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất sau Ngày Bầu cử, còn các quan chức tại Brazil có thể tăng lãi suất đến 50 điểm cơ bản.
Khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang căng thẳng, các nhà hoạch định chính sách tại khoảng 20 ngân hàng Trung ương chuẩn bị công bố quyết định lãi suất trong tuần tới có thể cần chờ đợi lâu hơn để biết kết quả cuối cùng. Thông thường, ứng cử viên thua cuộc thường tuyên bố chấp nhận kết quả sau một hoặc hai ngày, nhưng năm 2020, nước Mỹ đã mất đến 4 ngày để xác định kết quả cuối cùng.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...