Kèm theo đó Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đưa ra một số lưu ý khi cấp giấy phép xây dựng công trình tầng hầm cho công trình nhà ở riêng lẻ là không được xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất. Khi có nhu cầu xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất đã được xác định (trừ phần đấu nối kỹ thuật của hệ thống đường dây, đường ống ngầm) phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Không được làm ảnh hưởng đến các công trình trên mặt đất, công trình ngầm và không gian ngầm đã có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị. Tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến tầng hầm của công trình.
Khi cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ có 1 tầng hầm không cần phân biệt về chức năng quy hoạch dân cư hiện hữu hoặc dân cư xây dựng mới, chủ yếu đảm bảo phù hợp chức năng quy hoạch dân cư, chức năng sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và phù hợp quy chế quản lý kiến trúc khu vực.
Việc xác định hạ tầng kỹ thuật khu vực sẽ do UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm đảm bảo kết nối đồng bộ khi cấp giấy phép xây dựng công trình có tầng hầm. Bởi theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, hiện không có quy định khi xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ có tầng hầm phải tiếp cận đường giao thông có lộ giới từ 6m trở lên, chỉ quy định vị trí lam dốc xuống tầng hầm cách ranh lộ giới tối thiểu 3m. Thực tế, khi xây dựng tầng hầm để xe, tầng kỹ thuật không nhất thiết phải đảm bảo phương tiện giao thông tiếp cận là ô tô, người dân vẫn có thể xây dựng tầng để xe máy, tránh tình trạng thành phố thiếu bãi giữ xe như hiện nay.
Đối với các dự án đầu tư công trình xây dựng, thuộc trường hợp phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng, trong thời gian UBND thành phố chưa có quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị, cho phép các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng trên địa bàn TP.HCM được thẩm định, phê duyệt tối đa 1 tầng hầm trên cơ sở có ý kiến thống nhất của các sở ngành liên quan.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình từ 2 tầng hầm trở lên, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng trên cơ sở phù hợp với quy định quản lý quy hoạch không gian ngầm của đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc đồ án quy hoạch chung xây dựng không gian ngầm TP.HCM được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và Nghị định số 39 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị. Riêng các dự án đầu tư xây dựng công trình có tầng hầm mang tính cấp bách, đề nghị UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức có báo cáo rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (điều chỉnh tổng thể, cục bộ hoặc bổ sung nội dung quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị) làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch tổng mặt bằng theo quy định.
Không chỉ Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đề xuất với UBND thành phố, đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân thuộc khu vực quy hoạch dân cư hiện hữu, đã ổn định về hạ tầng kỹ thuật, giao thông tiếp cận có lộ giới từ 6m trở lên thì được phép xây dựng tối đa 1 tầng hầm để xe. Trường hợp xây dựng tầng bán hầm được tính vào quy mô số tầng nhà ở phù hợp theo quy chế quản lý kiến trúc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, ram dốc lên xuống tầng hầm phải đảm bảo khoảng lùi cách chỉ giới đường đỏ tối thiểu 3m.
Theo số liệu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trên địa bàn TP.HCM qua các giai đoạn từ 2010 - 2022 có khoảng 1.520 đồ án Quy hoạch phân khu và 612 đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Nội dung liên quan đến quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị phần lớn chưa để cập đến trong các đồ án quy hoạch phân khu, nên việc triển khai các đồ án Quy hoạch chi tiết/quy hoạch tổng mặt bằng làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng công trình sẽ bị vướng mắc vì thiếu pháp lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị tại các đồ án quy hoạch cấp trên.
Trong khi đó, qua tổng kết số liệu công tác cấp giấy phép xây dựng giai đoạn 2004 – quý 1/2024 của Sở Xây dựng TP.HCM, cho thấy toàn thành phố có 1.600 công trình xây dựng có tầng hầm (thuộc cấp I, II), tập trung nhiều nhất ở quận 1 là 642 công trình. Điều này cho thấy nhu cầu khai thác, sử dụng hiệu quả không gian xây dựng ngầm đô thị là hết sức cần thiết, đặc biệt là các khu vực trung tâm.