Theo khoản 7 điều 81 quy định: đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị thu hồi.
Bên cạnh đó còn một số trường hợp bị thu hồi đất vi phạm, có thể kể đến như: Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền. Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của luật này. Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Ngoài ra, đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.
Trường hợp hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại cũng sẽ bị thu hồi.
Không sử dụng có quyền chuyển nhượng, tặng cho
Theo ThS Ngô Gia Hoàng, Trường đại học Luật TP.HCM quy định về việc thu hồi một số loại đất nông nghiệp do không đưa vào sử dụng trong một khoảng thời gian liên tục đã được quy định trong điều 64 luật Đất đai 2013, tương ứng với điều 81 luật Đất đai 2024. Luật Đất đai 2024 có điểm mới là bổ sung loại đất có thể bị thu hồi là đất nuôi trồng thủy sản và điều kiện thu hồi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Luật không áp dụng đối với trường hợp bất khả kháng.
Quy định như vậy là cần thiết nhằm đảm bảo việc sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, hạn chế tình trạng bỏ hoang hóa đất đai, có biện pháp, chính sách để buộc người dân đưa đất đai vào sử dụng.
Những bổ sung của luật Đất đai 2024 cũng đảm bảo tính bao quát các loại đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Đồng thời thể hiện tính "khoan dung" của pháp luật khi việc thu hồi đất chỉ được thực hiện khi đã áp dụng các biện pháp xử lý khác (xử phạt vi phạm hành chính) mà người vi phạm không chấp hành hoặc tiếp tục vi phạm. Do đó, quy định này sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, bởi đây là trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai.
Không chỉ vậy, theo ông Ngô Gia Hoàng, theo khoản 3 điều 101 luật Đất đai 2024, các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai tại điều 81 sẽ không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Do đó, trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp tại khoản 7 điều 81 người dân sẽ không được đền bù.
Ông Ngô Gia Hoàng giải thích rõ hơn, Nhà nước chỉ thu hồi khi đất không được sử dụng trong thời gian liên tục, chứ không bắt buộc người sử dụng đất phải trực tiếp sử dụng, Những trường hợp không sử dụng thì Nhà nước vẫn chưa thu hồi. Đặc biệt đối với trường hợp không có nhu cầu sử dụng, không còn đủ sức lao động mà cho người khác thuê để sử dụng thì pháp luật vẫn chấp nhận. Hơn nữa, người không đủ khả năng sử dụng nếu đủ điều kiện chuyển nhượng thì có quyền chuyển nhượng, tặng cho người khác.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang cần sự theo dõi, sâu sát của địa phương. Ngoài ra cũng cần có hướng dẫn rõ ràng việc việc như thế nào không được sử dụng và liên tục để có căn cứ xử phạt và thu hồi. Ví dụ, đất trồng cây lâu năm có sẵn cây trồng trên đất nhưng người dân không chăm sóc, thì có được coi là không sử dụng. Hay mỗi năm người dân chỉ canh tác trên đất vài hôm thì có được coi là không sử dụng liên tục. Do đó cần hướng dẫn rõ ràng để tránh việc áp dụng pháp luật khác nhau hoặc phát sinh khiếu kiện.