Trong thực tế, Bộ TN-MT không xây dựng dự thảo nghị định quy định về giá đất một mình mà có sự đồng hành của nhiều bộ ngành liên quan, trong đó Bộ TN-MT chủ trì trong tổ biên tập. Đặc biệt, dự thảo có sự tham gia, trao đổi của nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp bất động sản TP.HCM... Trong quá trình soạn thảo sửa đổi luật Đất đai, hay dự thảo nghị định quy định về giá đất... Bộ xác định phải gắn với thực tiễn, nên các quy định cố gắng làm sao khi được ban hành có thể thực hiện được.
"Thế nên, khi soạn dự thảo về giá đất, chúng tôi, các ban ngành liên quan rất trăn trở, rằng chi phí nào có thể bỏ ra, chi phí nào được đưa vào. Trong khi giá thì liên quan nhiều thứ, nó không đứng một mình. Sửa quy định về giá phải sửa các quy định liên quan về thuế, các quy định về kinh doanh bất động sản, đầu tư, xây dựng, môi trường... Hay như vấn đề công chứng, chứng thực, hợp đồng, thống kê... cũng vậy. Quy định về thống kê ảnh hưởng đến số lượng đầu vào trong giá đất, đặc biệt liên quan khoa học công nghệ thay đổi thì chắc chắn giá thay đổi", ông Kiên phân trần và thừa nhận, thực tế, còn quá nhiều quy định phải được sửa đổi. Bộ TN-MT trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định rất mong muốn hoàn thành, sát thực tiễn và được Chính phủ sớm ban hành nghị định, đưa vào sử dụng bởi hơn ai hết, Bộ hiểu rõ, đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội.
"Dự thảo nghị định quy định về giá đất có ý nghĩa quan trọng, có ảnh hưởng lớn, nhưng như các chuyên gia nói, đây là vấn đề cực kỳ khó và hội thảo lần nào cũng có nhiều ý kiến khác nhau như ngay tại tọa đàm này, ý kiến 2 chuyên gia kinh tế cũng khác. Tuy vậy, những vấn đề này đều bắt đầu từ luật, nên chúng tôi tiếp tục tiếp thu các ý kiến bắt đầu từ việc sửa luật và nghị định...", ông Vũ Sỹ Kiên nêu quan điểm và cập nhật, đến nay, hồ sơ dự thảo đã trình Chính phủ xin ý kiến 2 lần, lần trình mới đây ngày 25.5, đến 29.5, tổ soạn thảo tiếp tục tiếp thu đưa bản mới. "Nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự thảo dự tính hoàn thành trong tháng 6 này, với kỳ vọng sau nghị định đưa vào thực tiễn, hạn chế vướng mắc, sớm đưa đất đai - nguồn lực phát triển xã hội - vào khai thác.