Trong buổi trò chuyện từ Thuỵ Sỹ, với giọng nói nhẹ nhàng, nữ tính, nhiều lúc tôi cũng ngỡ như đang nói chuyện với một cô gái vẫn còn trong vòng tay bao bọc của gia đình. Nhưng tôi thật sự khâm phục ý chí của Thanh Vũ với mục tiêu "trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình".
- Đối mặt với nhiều thách thức để vươn tới đỉnh cao, giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với em?
Bước chân vào giải, mục tiêu ưu tiên được em đặt ra là hoàn thành các phần thi. Tuy nhiên, khi cho phép bản thân mình tiếp xúc, trải nghiệm những cơ hội mới em sẽ khám phá nhiều tiềm năng cũng như chiến thắng những khó khăn, định kiến để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Ít ai nghĩ rằng, người phụ nữ châu Á "yếu liễu đào tơ" lại có thể chinh phục được những cự ly khủng của giải đấu, huống chi là giành quán quân.
Qua những trải nghiệm của mình, em mong muốn lan tỏa thông điệp “Không gì là không thể” để mỗi bạn trẻ, mỗi cá nhân có thể tự tin, mạnh dạn bước tiếp. Trong cuộc sống, không phải ai cũng đặt được ra mục tiêu cho mình, có thể họ đang gặp khó khăn hoặc tự tin do nhiều yếu tố khác nhau. Em hy vọng, từ câu chuyện của mình sẽ giúp họ có những hoài bão, tự tin đặt ra những bước chân đầu tiên khởi đầu cho hành trình mới.
- Em nghĩ sao khi được cộng đồng vinh danh là “siêu nhân vũ trụ”?
Đúng là rất vui vì được là “siêu nhân vũ trụ” (cười) nhưng em chỉ là người bình thường. Ở giải đấu này, em cảm thấy mình thật nhỏ bé, như ra khơi mới thấy biển cả mênh mông bởi các vận động viên tham gia giải đều là người lão luyện, đang nắm giữ và phá vỡ các kỷ lục thế giới. Đặc biệt, 95% trong số đó không phải là vận động viên chuyên nghiệp, họ ở trung niên với dáng người gầy và mảnh mai.
Hai vận động viên cao tuổi nhất tham gia giải đã bước qua tuổi 60, như ông bà của mình vậy nhưng ý chí thi đấu tuyệt vời. Ảnh hưởng của thời tiết và thi đấu với cường độ cao, họ có thể bị mệt, bị đau nhưng họ luôn tập trung cao độ, duy trì tốt tốc độ thi đấu để đạt được mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Em đã được các vận động viên lớn tuổi tham gia giải truyền cảm hứng sâu sắc. Thật hiếm có vận động viên ở tuổi 60 - 70 vẫn làm cho đối thủ trẻ hơn mình đến gần 3 thập niên lo lắng đến mức tối không dám ngủ (cười).
Giải thi đấu này đã giúp em cảm nhận sâu sắc: con người chính là cỗ máy có tiềm năng rất lớn, ở đó ý chí mạnh mẽ là yếu tố quyết định. Vượt qua những thách thức của giải, em có thể tiếp tục đi tới nhiều chân trời mới, đạt được nhiều thành tích cao hơn.
Được biết, ngay sau khi Thanh Vũ hoàn thành cuộc đua, Chủ tịch Liên đoàn Triathlon thế giới nói với Thanh Vũ rằng trong 30 năm qua, chỉ có khoảng 100 người hoàn thành cuộc đua Deca Ultra Triathlon thế giới.
- Nhìn lại chặng đường 14 ngày căng mình thi đấu ở một giải được coi là "điên rồ nhất thế giới" vì sao em lại thử thách mình ở SwissUltra?
Khi đăng ký tham gia giải, em cảm nhận được những khó khăn vì cự ly thi đấu khủng. Các vận động viên dự SwissUltra phải hoàn thành 38km bơi, 1.800km đạp xe và chạy bộ 422km. Tổng cự ly thi đấu này dài gấp 10 lần một giải full triathlon phổ thông.
Với nhiều cự ly thi đấu dài và khó nên số lượng vận động viên tham gia giải không nhiều. Vận động viên nữ còn ít hơn, chỉ có 4 người tham gia, trong đó em là đại diện duy nhất của Việt Nam. Trong quá trình thi đấu, vì nhiều lý do như sức khoẻ, thời tiết, một số vận động viên phải dừng cuộc chơi. Những vận động viên còn lại thì chịu những áp lực nặng nề. Trong đó, áp lực lớn nhất là tinh thần, sự nhàm chán và dễ nhụt chí. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn đạp xe hết 200 vòng (mỗi vòng dài 9km) để hoàn thành 1.800km của giải.
Cuộc thi nào cũng vậy, đều có những trải nghiệm và áp lực riêng nên rất khó để so sánh. Tuy nhiên, khi đặt ra mục tiêu để chinh phục đủ lớn, đủ hấp dẫn, bạn sẽ thấy sự nhàm chán hay khó khăn không phải là đặc biệt và phải tìm cách vượt qua áp lực đó.
- Em có thể chia sẻ thêm sự khắc nghiệt của giải đấu?
Điều bất ngờ ở giải đấu này là yếu tố thời tiết đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch thi đấu của các vận động viên. Những ngày nắng mưa thay đổi liên tục: nắng thì gay gắt như muốn cháy da cháy thịt, mưa lại tầm tã cả ngày như nước đá lạnh tạt vào người. Trên đường đua không có bóng cây; hai bên đường: một bên là sông, một bên là thung lũng sâu; vận động viên vừa thi đấu vừa chịu đựng cái nắng, cái gió xối thẳng vào mặt.
Bơi là môn thi đầu tiên. Để hoàn thành 38km tại một hồ bơi dài 50m trong thời gian 27 giờ, vận động viên phải bơi xuyên đêm. Đã từng bơi trong nước ở 8 độ C nên em xem đây là thử thách dễ vượt qua nhưng thực tế không như vậy. Bơi liên tục vào ban đêm khiến thân nhiệt hạ nhanh, nhất là lúc 4 giờ sáng, trời lạnh đanh lại, cơ thể bắt đầu đuối và có lúc em đã bơi trong vô thức. Em phải lên bờ, làm ấm cơ thể, tranh thủ chợp mắt trong 15 phút và quay lại bể tiếp tục bơi liên tục đến 4h30 hôm sau.
Sau bơi là đến chặng đạp xe. Khi ngâm người trong nước quá lâu, cơ thể phản ứng mãnh liệt nên theo kế hoạch, em sẽ nghỉ ngơi ít nhất từ 3 - 4 tiếng cho đến khi người hoàn toàn khô ráo mới bắt đầu chặng tiếp theo. Tuy nhiên, tâm lý của em đã dao động khi thấy các VĐV khác đã nhanh chóng chuyển sang đạp xe. Vì nôn nóng, em đã tiếp tục hành trình.
Không may mắn, ở vòng đạp xe thứ 2 trời đổ mưa lớn hơn, đường trơn, em bị ngã xe, chân tay bị xước và bầm rập. Cú ngã tuy không quá nghiêm trọng nhưng vết xước khiến em không thể đặt tay lên chỗ nghỉ ở xe. Vì vậy, em phải đạp nghiêng và sớm muộn gì cũng có thể đối mặt với chấn thương.
Thời tiết vẫn rất khắc nghiệt, hết mưa rồi lại nắng gắt, quần áo không kịp khô, em đã mặc quần áo bơi để đạp xe và nhận được kết quả rất tồi tệ. Chật vật và bế tắc, em đã phải tính toán, điều chỉnh kế hoạch theo điều kiện thời tiết: ban ngày gió đổi chiều, nắng nóng thì mình nghỉ ngơi; khi đêm xuống, điều kiện thời tiết tốt hơn thì đạp xe xuyên đêm.
Sự thích nghi linh hoạt và tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật là những bài học quý em học được từ môn thi đấu không phải là thế mạnh của mình. Ngay ở chặng thi cuối cùng là chạy bộ. Đây là điểm mạnh của em nhưng khi phải vận động liên tục ngoài trời 16 - 20 tiếng/ngày trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, cơ thể mệt mỏi nên em tiếp tục điều chỉnh kế hoạch: chạy vào các buổi tối.
- Có khoảnh khắc nào khiến em muốn gục ngã và nghĩ đến việc dừng cuộc chơi?
Ở môn đạp xe, em đặt ra kế hoạch mỗi ngày phải đạp 270km thì mới hoàn thành mục tiêu. Song như đã nói, có ngày thời tiết xấu, em chỉ đạp được 91km; quãng đường còn lại là 180km, em phải dồn bù cho những ngày sau. Ngày hôm sau trời tiếp tục mưa, mình phải vượt qua như thế nào? Có những lúc đã từng suy nghĩ hoài nghi về bản thân như vậy, em đã khóc, không phải do quá yếu đuối hay muốn bỏ cuộc mà chỉ muốn tự giải tỏa lấy lại bình tĩnh để có thể phân tích, nhận định và tìm giải pháp tốt nhất cho mình ở những ngày tiếp theo. Em tự hào vì đã không bỏ cuộc và mang hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
- Trong hành trình mới của mình, em có những dự định, kế hoạch để truyền cảm hứng tích cực và lối sống nhân văn?
Để cuộc sống có ý nghĩa hơn, mỗi năm em đều đặt ra cho mình những thách thức khó hơn, khắc nghiệt hơn với mong muốn đem lại dấu ấn về ý chí và bản lĩnh con người Việt Nam đến với thế giới.
Những giải đấu với nhiều thách thức lớn không đơn thuần là hoạt động thể thao mà dạy mình cách suy nghĩ, đối với cuộc sống. Thách thức trong giải đấu gần gũi với cuộc sống hơn là quá trình luyện tập của vận động viên chuyên nghiệp. Ở đó, mỗi người phải giữ vững tinh thần: không gì là không thể để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình thì mới có thể đạt được kết quả và chinh phục những đỉnh cao.
Bước vào các giải thi đấu, em không đặt mục tiêu trở thành quán quân hay nhà vô địch thế giới mà chỉ định hướng phải tiến lên, không để giới hạn xã hội hoặc giới hạn người khác áp đặt lên mình.
Nhớ lại khoảng thời gian trước đây, khi tiếp cận với một số người để hiện thức hóa mục tiêu trở thành người phụ nữ châu Á chinh phục 4 sa mạc lớn nhất thế giới, đã có hoài nghi và cho nói em cần thực tế.
Tuy nhiên, đây không phải là giấc mơ hão huyền khi em đặt ra mục tiêu vượt qua chính mình, trở thành phiên bản Number 1 của thời điểm hiện tại cho đến khi mình tốt hơn nữa, bước lên đỉnh cao.
Giới trẻ Việt Nam tài giỏi, linh hoạt và có nhiều tiềm năng, em hy vọng từ câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng để các bạn trẻ vươn xa, trở thành phiên bản tốt nhất của mỗi người, giúp Việt Nam đạt được kết quả tự hào hơn nữa.
Tham gia các giải thi đấu, được đi nhiều nơi, em cảm nhận sự mãnh liệt của thiên nhiên. Do vậy, em thấy rằng chúng ta cần quan tâm bảo vệ môi trường tốt hơn. Mỗi lần đi máy bay em đều ghi lại những thông tin về khí thải động cơ ra môi trường gây biến đổi khí hậu để từ đó mình có kế hoạch bù đắp lại cho thiên nhiên, chẳng hạn như trồng cây, trồng rừng tại các địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Những việc này tuy nhỏ thôi nhưng lan toả trong cộng đồng sẽ tạo nên sức mạnh lớn.
- Một lần nữa chúc mừng và cảm ơn em về cuộc trò chuyện thú vị!
Thanh Vũ (tên thật là Vũ Phương Thanh, sinh năm 1990 tại Hà Nội) nổi tiếng trong làng chạy bộ Việt Nam với nhiều thành tích ấn tượng. Thanh Vũ từng là chuyên viên phân tích tài chính. Cô từng gây tiếng vang khi chinh phục nhiều giải đấu khắc nghiệt trong nước và quốc tế, đặc biệt phải kể tới những sa mạc khắc nghiệt bậc nhất thế giới như Namib (châu Phi), Gobi (châu Á), Atacama (Nam Mỹ) hay Everest Trail Race, một trong những giải trail có tính thách thức cao nhất. Deca-Triathlon được xem là cuộc thi siêu 3 môn phối hợp khắc nghiệt nhất thế giới, bơi 38km, đạp xe 1.800km và cuối cùng là chạy 422km. Thanh Vũ đã xuất sắc về nhất với tổng thành tích 328 giờ 27 phút 55 giây, tương đương với 13 ngày, 16 giờ, 27 phút và 55 giây. Cuộc thi có 4 vận động viên nữ tham dự, nhưng có 2 người không hoàn thành cuộc thi. Ở cuộc thi của nam, có 19 vận động viên góp mặt và có 5 người không hoàn thành cuộc thi. Cả thế giới chỉ có hai nữ vận động viên về đích, Thanh Vũ là niềm tự hào của người Việt. Thế giới biết đến Việt Nam cùng với cái tên Thanh Vũ. |