Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 về chỉ số hòa bình, sau New Zealand, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Úc và trên Mông Cổ, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan… Trung Quốc có vị trí thấp trong chỉ số này, khi đứng 15 trong khu vực, trên Philippines, Papua New Guinea, Myanmar và Triều Tiên.
Nghiên cứu Chỉ số Hòa bình Toàn cầu được thực hiện hàng năm bởi Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở tại Úc để đo lường tình trạng hòa bình của một quốc gia trên ba lĩnh vực: an toàn và an ninh xã hội, mức độ xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra và mức độ quân sự hóa.
Ở Đông Nam Á, Malaysia có bước tiến vượt bậc khi từ vị trí thứ 19 trong năm 2023 đã nhảy vọt lên thứ 10. So với các nước láng giềng, Singapore xếp thứ 5 toàn cầu về hòa bình, tiếp theo là Việt Nam (41), Indonesia (48), Lào (49), Campuchia (70), Thái Lan (75), Myanmar (148)...
Ngoài ra, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến mức độ hòa bình giảm nhẹ 0,1% trong năm 2024, duy trì vị thế là khu vực hòa bình thứ hai trên thế giới kể từ năm 2017.
Chỉ số cũng cho thấy xu hướng toàn cầu về hòa bình giảm sút trong 16 năm qua, với điểm trung bình của mỗi quốc gia giảm 4,5% kể từ khi chỉ số này ra đời vào năm 2008.
Iceland vẫn giữ vị trí là quốc gia hòa bình nhất trên toàn cầu, tiếp theo là Ireland ở vị trí thứ hai, Áo ở vị trí thứ ba, New Zealand ở vị trí thứ tư và Singapore ở vị trí thứ năm. 5 vị trí còn lại trong top 10 gồm: Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Slovenia và Malaysia.
Ngược lại, Yemen được xác định là quốc gia kém hòa bình nhất thế giới, cùng với Sudan (162), Nam Sudan (161), Afghanistan (160) và Ukraine (159).
Trong số 163 quốc gia được xếp hạng, 95 quốc gia có mức độ hòa bình suy giảm, 66 quốc gia được cải thiện và 2 quốc gia không có thay đổi. Mười bảy trong số 23 chỉ số trở nên tồi tệ hơn trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2023, trong khi có bảy chỉ số được cải thiện.
Chỉ số Hòa bình Toàn cầu đóng vai trò là thước đo hàng đầu cho hòa bình thế giới, cung cấp những hiểu biết toàn diện dựa trên dữ liệu về xu hướng hòa bình, ý nghĩa kinh tế và chiến lược của chúng nhằm thúc đẩy xã hội hòa bình.