Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách di chuyển bằng đường sắt đạt hơn 2,7 triệu khách, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu du lịch bằng đường sắt tăng
Hình ảnh về những chuyến tàu chất lượng cao, tàu 5 sao hay tàu du lịch đã xuất hiện ngày càng nhiều trong bối cảnh vé máy bay tăng cao. Hơn nữa, nhờ lợi thế thân thiện với môi trường, đây cũng là loại hình vận tải được đánh giá phù hợp với xu hướng du lịch bền vững. Hàng loạt điểm cộng này chính là lý do khiến du lịch bằng tàu hỏa đang nhận được sự quan tâm của du khách.
Mỗi ngày, Ga Sài Gòn có 7 đoàn tàu xuất phát đi các ga Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội và ngược lại, phục vụ khoảng 6.000 hành khách đi và đến. Giá vé hợp lý, thay đổi chất lượng, dịch vụ. Đây chính là lý do vì sao các chuyến tàu trong thời gian gần đây luôn trong tình trạng kín khách.
Lựa chọn ngày nghỉ, gia đình anh Nguyễn Bảo Cường (quận 12, TP Hồ Chí Minh) chọn trải nghiệm đi tàu cho chuyến du lịch hè cùng các con. Bởi phương tiện vận tải này vừa có thể mang được nhiều hành lý, lại vừa có thể ngắm phong cảnh nên cả nhà rất háo hức.
"Vì tàu lửa thích hợp với gia đình mình. Rộng rãi và mấy đứa nhỏ đi thoải mái. Tàu thì mới sạch sẽ", anh Cường chia sẻ.
Ông Lê Xuyến - huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đi tàu lửa nhìn được các tỉnh miền Nam, miền Trung, miền Bắc. Tàu thoáng mát, khu vệ sinh cũng sạch sẽ, điều hòa cũng tốt".
Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách di chuyển bằng đường sắt đạt hơn 2,7 triệu khách. Ảnh minh họa.
Xác định mục tiêu không để hành khách quay lưng với chất lượng dịch vụ, ngành vận tải đường sắt đã quyết tâm lột xác bằng bằng hướng đi riêng của mình.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết: "Các toa xe có chất lượng rất tốt, chất lượng hiện đại và các tiện ích cũng rất tốt. Thứ hai nữa thì ở các ga, Tổng công ty đã đầu tư trang bị cái hệ thống phòng đợi cũng rất khang trang, sạch đẹp. Thứ ba, chất lượng dịch vụ ở trên tàu, vệ sinh trên tàu, chất lượng của nhân viên, thái độ phục vụ cũng đã được cải thiện rất đáng kể".
Để đạt mục tiêu vận chuyển khoảng 6,1 triệu lượt hành khách trong năm nay, ngành đường sắt cũng đang trang bị thêm hệ thống bán vé tự động. Theo các chuyên gia, với đà tăng trưởng trong những tháng đầu năm trở về sau là cơ hội cho ngành đường sắt chuyển mình trong điều kiện cải thiện dịch vụ, mức giá, đặc biệt là tập trung phát triển tàu lửa cao tốc, giải quyết bài toán di chuyển thời gian cho du khách.
Giải pháp nâng cao chất lượng vận tải đường sắt
Đổi mới về tư duy và thực hiện theo đúng phương châm "an toàn, thân thiện, thuận tiện, đúng giờ và hiệu quả" đã và đang giúp ngành đường sắt khôi phục lại vị trí, trở thành phương tiện đi lại được đông đảo người dân và du khách lựa chọn. Tuy nhiên, để tăng trưởng ổn định và bền vững thì ngành đường sắt cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ.
Việc phối hợp với công ty du lịch và Sở Du lịch các địa phương là một trong những giải pháp thu hút hành khách mà ngành đường sắt đang triển khai. Theo đó, ghi nhận lượng khách đặt tour tàu lửa tăng 30% trong thị trường du lịch nội địa.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông và Marketing, Công ty Du lịch TST Tourist cho biết: "Xử lý đường tour bằng việc kết hợp các phương tiện giao thông làm sao cho phù hợp đưa về mức giá tiếp cận với nhu cầu tài chính của du khách. Đồng thời, tạo sự đa dạng giữa các loại hình vận chuyển, sẽ giảm được giá thành cũng như gia tăng tính trải nghiệm cho du khách".
Với nhu cầu ngày càng đa dạng, chi phí hàng không lại không ngừng tăng cao, trong khi các tuyến cao tốc ngày càng thuận lợi thì việc hiện đại hóa hệ thống giao thông đường sắt, đặc biệt là tuyến cao tốc đường sắt Bắc - Nam để theo kịp xu hướng của thế giới là điều cần thiết.
TS. Huỳnh Thanh Điền - Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: "Đầu tư đường sắt phải xác định là một định hướng chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu mà đường sắt bây giờ phải là đường sắt hiện đại. Muốn đầu tư tôi nghĩ là Chính phủ phải có quy hoạch…".
Việc phối hợp với công ty du lịch và Sở Du lịch các địa phương là một trong những giải pháp thu hút hành khách mà ngành đường sắt đang triển khai. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, đầu tư vào đường sắt được xem là bước đi cần thiết để giảm tải cho đường bộ, đường hàng không. Khi đường sắt được đầu tư cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vận chuyển hàng hóa.
Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, việc mở rộng phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao nhận cũng như đảm an toàn, đúng lịch trình. Ngoài ra, các tuyến đường sắt mới không chỉ giúp kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, mà còn góp phần bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu lượng khí thải carbon.
Giảm giá vè tàu dịp hè
Nhiều biện pháp đang và sẽ được đưa ra để tăng sức cạnh tranh cho ngành đường sắt. Trong đó có tổ chức chạy thêm các đoàn tàu và áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi, giảm giá vé, nhất là để phục vụ nhu cầu đi lại dịp cao điểm hè.
6 đôi tàu Thống nhất đã được tăng cường chạy giữa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tuyến Hà Nội - Vinh và Hà Nội - Đồng Hới thêm một đôi tàu. Tuyến Hà Nội - Đà Nẵng có hai đôi tàu.
Riêng đối với học sinh đi thi và nhập học vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, ngành đường sắt áp dụng chính sách giảm 10% từ nay đến hết ngày 31/10. Cụ thể, mỗi giấy báo thi, thẻ dự thi và giấy báo nhập học, được mua 1 vé lượt đi và về cho học sinh và 1 người thân đi cùng. Vé mua tại các nhà ga, điểm bán vé của ngành đường sắt.
Còn chính sách giảm giá áp dụng chung cho hành khách mua vé cá nhân trong giai đoạn hè, tức từ nay đến 18/8 là: Mua trước từ 20 - 39 ngày thì được giảm 5%, mua trước 40 ngày trở lên giảm 10%. Tuy nhiên, hình thức giảm giá này không áp dụng đối với khoang 4 giường đôi.
Ngoài ra, vẫn áp dụng chính sách miễn, giảm giá vé đối với các đối tượng chính sách xã hội: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh, người khuyết tật, trẻ em, học sinh, sinh viên...
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam còn đưa các đoàn tàu chất lượng cao vào khai thác, điển hình như SE21/22, chạy chặng Sài Gòn - Đà Nẵng trong đêm, khoảng 7 - 8 tiếng. Giá vé là trên 500.000 đồng với ghế ngồi và khoảng 900.000 đồng với giường nằm. Theo đó, các toa xe được nâng cấp, cải tạo nhằm gia tăng tiện ích và đem lại hiệu ứng thẩm mỹ cao.
Trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, ngành đường sắt đang triển khai nhiều hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch về lâu về dài. Để đường sắt thật sự là "xương sống" của hoạt động vận tải khối lượng lớn cả người và hàng hóa sẽ cần sự đổi mới toàn diện của ngành, nhất là phát triển hệ thống đường sắt cao tốc, để có đủ sức cạnh tranh với nhiều loại hình vận tải khác.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...