Tờ trình đã được HĐND TP.HCM thông qua và nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Các cơ sở khám chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên không thuộc điều chỉnh của nghị quyết này.
Giá khám bệnh cao nhất là 50.600 đồng
Cụ thể, nghị quyết quy định giá khám bệnh tại 21 bệnh viện (hạng 1) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật là 50.600 đồng (giá khám này tương đương Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân y 175… đã được Bộ Y tế phê duyệt trước đó). Trong khi giá khám bệnh hiện hành ở TP.HCM với bệnh viện hạng 1 (kể cả hạng đặc biệt) là 42.100 đồng.
Giá khám bệnh tại 27 bệnh viện, trung tâm y tế (hạng 2) là 45.000 đồng (giá hiện hành là 37.500 đồng). Giá khám bệnh tại 18 bệnh viện và trung tâm y tế (hạng 3) là 39.800 đồng (giá hiện hành là 33.200 đồng).
Và cuối cùng là giá khám bệnh tại trạm y tế và cơ sở khám chữa bệnh chưa được phân hạng là 36.500 đồng (giá hiện hành là 30.100 đồng). Ngoài ra, tại các bệnh viện hạng 1, 2 và 3, quỹ bảo hiểm y tế chi trả 200.000 đồng/ca/chuyên gia hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn).
Về giá giường bệnh cũng có mức giá mà bảo hiểm y tế cao thấp tùy theo hạng bệnh viện. Ví dụ giường hồi sức tích cực (ICU) ở bệnh viện hạng 1 là 928.100 đồng/ngày, thì bệnh viện hạng 2 là 799.600 đồng (hạng 3 và không phân hạng không có loại giường này).
Giá viện phí giường loại 4 là thấp nhất, ở bệnh viện hạng 1 là 286.700 đồng, hạng 2 là 229.200 đồng, hạng 3 là 202.300 đồng và tại trạm y tế là 185.000 đồng.
Nghị quyết cũng quy định danh mục dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám theo yêu cầu.
Theo đó, khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa (không kể xét nghiệm, X-quang) 160.000 đồng. Khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) 160.000 đồng. Khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động (không kể xét nghiệm, X-quang) 450.000 đồng. Mức giá này gần như là mức giá quy định chung của các cơ sở y tế khác trên toàn quốc.
Chi trả gần 100 triệu đồng cho mổ robot
Trong 9.177 dịch vụ do quỹ bảo hiểm y tế chi trả mà nghị quyết đề cập, có những dịch vụ kỹ thuật chi phí cao đáng chú ý.
Liên quan đến thông tim, can thiệp tim - mạch có giá từ 7 đến hơn 9 triệu đồng/stent hoặc phẫu thuật… Can thiệp nội mạch bằng DSA có giá trên 9 triệu đồng (tùy vị trí).
Điều trị các loại ung thư bằng hạt phóng xạ là gần 16 triệu đồng (chưa bao gồm dược chất phóng xạ, hợp chất đánh dấu, vật tư phóng xạ và các thuốc bổ trợ khác, nếu có sử dụng).
Các phẫu thuật liên quan đến nhi, tim bẩm sinh ở nhi, người lớn có giá từ 15 - 20 triệu đồng. Phẫu thuật ghép van tim đồng loài giá hơn 18,6 triệu đồng (chưa bao gồm một số dụng cụ khác).
Kỹ thuật xạ phẫu u, điều trị đau dây thần kinh số V nguyên phát bằng dao gamma quay có giá trên 29 triệu đồng. Kỹ thuật PET/CT chẩn đoán bệnh, mô phỏng xạ trị có giá từ 20 - 21 triệu đồng.
Đặc biệt, phẫu thuật nội soi có robot (bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng) nhi khoa có giá hơn 97,6 triệu đồng và phẫu thuật nội soi có robot (bệnh lý lồng ngực) ở nhi giá hơn 92 triệu đồng.
4 loại viện phí
Nghị quyết quy định 4 loại giá: giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn; giá ngày giường bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm; giá dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc và ô xy sử dụng cho dịch vụ.
Mức giá dịch vụ khám chữa bệnh quy định lần này bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định. Trong đó chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng, chưa bao gồm quỹ thưởng theo quy định tại Nghị định 73 năm 2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.