Tháng 8/2024, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ ghi nhận tình trạng tăng đột biến số trẻ cấp cứu vì vết thương đầu do các giống chó ngoại lai gây ra.
Khoa Ngoại tổng hợp tiếp nhận 5 trường hợp trẻ tới cấp cứu với tình trạng có nhiều vết thương ở đầu do chó cắn. Đặc biệt có 3/5 trường hợp phải phẫu thuật cấp cứu để xử lý vết thương. May mắn, các trường hợp trẻ đều được cấp cứu thành công và đã xuất viện.
Theo lời kể của cha mẹ thì các trường hợp trẻ đều bị các loài chó ngoại như Berger Đức, Rottweiler… cắn. Tình huống xảy ra bất ngờ và các giống chó này vốn dĩ là chó săn nên tốc độ lẫn sức mạnh vượt trội, vì thế gây nhiều tổn thương cho trẻ.
Theo BSCKII. Tạ Vũ Quỳnh, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, vết thương da đầu do chó cắn là ít gặp. Trước đây, khoa tiếp nhận và xử lý nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng chủ yếu là tay, chân hoặc nửa thân dưới. Đặc điểm của các loài chó bản địa vốn dĩ hiền và chỉ phản xạ tấn công người khi gặp những tình huống bắt ngờ hoặc đe dọa tới thân thể của chúng. Tính sát thương của những cú cắn cũng thấp và thường ít đe dọa tính mạng nếu được xử lý, tiêm phòng đầy đủ.
Ngược lại, các giống chó ngoại lai bản chất là chó săn có tập tính hung hãn và sức mạnh vượt trội nên trẻ sẽ có vết thương nghiêm trọng hơn khi bị chúng tấn công. Vị trí tấn công nhắm tới thường là đầu hoặc cổ nhằm tiêu diệt đối thủ ngay phát cắn đầu tiên.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh, người nuôi chó mà đặc biệt là nuôi các giống chó ngoại lai cần tiêm phòng dại, đeo rọ mõm và đeo dây xích cẩn thận để tránh các tai nạn đáng tiếc cho trẻ xảy ra như trên.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...