CẦN QUY ĐỊNH RÕ ĐỂ ĐẢM BẢO KHẢ THI
Việc bổ sung các hình thức KCB mới được hưởng BHYT sẽ giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT. Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này nhưng còn băn khoăn về việc quy định, thực hiện sao cho khả thi, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho hay cơ quan này đã rà soát dự thảo luật nhưng chưa thấy có quy định để bổ sung cách thức thanh toán BHYT đối với nhóm đối tượng KCB từ xa và KCB tại nhà. Để bảo đảm tính khả thi, ông Tịnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ hơn để có thể triển khai trên thực tiễn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, dẫn chứng KCB từ xa là xu hướng phù hợp với tiến bộ công nghệ, điển hình như đại dịch Covid-19 vừa qua đã áp dụng. Tuy nhiên, nội dung này hoàn toàn mới đối với VN và "rất ít nước khám bệnh tại nhà". Theo ông, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá rõ tác động, cách thức tổ chức cũng như đối tượng chịu ảnh hưởng.
"Nâng cao chất lượng tại cơ sở KCB cũng đang rất cấp thiết, tức là khám tại cơ sở cũng đòi hỏi phải nâng cao. Nếu khi phân tán lực lượng hoặc đến tận nhà có đảm bảo chất lượng không?", ông Hòa đặt vấn đề, đồng thời lo ngại những tác động có thể xảy ra đối với quỹ BHYT.
Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết quy định về KCB từ xa, KCB tại nhà hoặc KCB y học gia đình đều thuộc nguyên tắc trong luật KCB năm 2023. Nếu triển khai thực hiện luật KCB năm 2023 thì luật BHYT sửa đổi cũng buộc phải xây dựng các cơ chế nhằm đảm bảo nguồn lực thanh toán.
Bà Lan khẳng định KCB tại nhà là nhu cầu từ thực tiễn, do điều kiện sức khỏe không cho phép đến cơ sở KCB. Vì thế, việc quy định thanh toán BHYT cho nhóm đối tượng này là cần thiết. Về quy trình, cách thức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay sẽ quy định cụ thể, chi tiết trong nghị định và thông tư hướng dẫn.
NHÀ TRƯỜNG CÓ NÊN THU BHYT CỦA HỌC SINH ?
Dự thảo luật sửa đổi luật BHYT đề xuất giữ nguyên quy định học sinh, sinh viên thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần. Hiện có 2 luồng quan điểm về vấn đề này. Một là đề nghị cho phép học sinh, sinh viên có thể tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhằm giảm trừ mức đóng, nhất là các đối tượng thuộc gia đình đông thành viên. Hai là đề nghị giữ nguyên nhằm bảo đảm sự ổn định, thay vào đó có thể nghiên cứu tăng mức hỗ trợ khi tham gia BHYT.
Cho ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ sự băn khoăn về việc cho thu tiền BHYT của học sinh thông qua trường học. Bởi lẽ, trường học là nơi để học, "thay vì thu ở trường học thì cứ tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân có nơi, có chỗ nộp bảo hiểm thì hay hơn".
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng mỗi dịp đầu năm, học sinh phải đóng nhiều khoản thu, trong đó có BHYT thông qua giáo viên hoặc nhà trường. Việc này có mặt hạn chế nhất định, vì học sinh chưa thể tự quyết định nơi sẽ KCB BHYT cho mình, nếu để giáo viên hoặc nhà trường làm thì dễ có nguy cơ không khách quan.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh dẫn chứng từ việc thẩm tra báo cáo hằng năm của Chính phủ về BHYT, cơ quan này nhận thấy đối tượng là học sinh tham gia BHYT rất ổn định, duy trì tỷ lệ cao, thực tiễn thực hiện cũng không có vấn đề gì. Do vậy, bà Thúy Anh đề nghị tiếp tục quy định như hiện hành nhằm giữ sự ổn định, đồng thời có thể nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. Sau này, khi sửa đổi luật một cách toàn diện, các cơ quan sẽ có đánh giá kỹ lưỡng để tính toán cho phù hợp.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Đức Hòa dẫn số liệu từ năm 1992 đến nay cho thấy việc đóng BHYT thông qua nhà trường rất ổn định, với tỷ lệ 99% học sinh tham gia. Nếu bây giờ chuyển sang hình thức hộ gia đình và vận động người dân tham gia thì chưa rõ tỷ lệ sẽ như thế nào.
Kết thúc phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ nội dung mà các đại biểu nêu. Về con số 99% học sinh tham gia BHYT, bà Thanh nhận định đây mới là ở khía cạnh thu, vấn đề cần quan tâm là chất lượng chăm sóc sức khỏe của học sinh. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị phải có đánh giá mặt được, chưa được trong công tác thực hiện BHYT đối với nhóm đối tượng này. Việc quan tâm sức khỏe học đường không chỉ thực hiện khi các cháu có bệnh, mà ngay cả khi chưa phát sinh thành bệnh để đi khám, chữa bệnh theo BHYT.
Xóa bỏ "địa giới hành chính" trong KCB
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay quy định về mức hưởng BHYT tại dự thảo luật sửa đổi luật BHYT được thiết kế theo hướng xóa bỏ "địa giới hành chính" trong KCB. Việc này nhằm thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH, giữ ổn định mức hưởng BHYT như quy định hiện hành, đồng thời mở rộng với một số trường hợp như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu.
Dự thảo luật cũng được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các đối tượng tham gia BHYT được quy định trong luật hiện hành, đồng thời bổ sung nhóm đối tượng là nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản nhằm động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động KCB lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8% (trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng) và quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí KCB để khắc phục vướng mắc về việc kéo dài thời gian thanh, quyết toán.
Cử tri và bản thân ở khu phố tôi có những gửi gắm, trao đổi là lần này luật BHYT sửa đổi thì có giúp được việc chi trả dễ dàng hơn không. Người ta lấy ví dụ nhiều khi đóng thì trừ luôn vào trong lương nhưng đến khi chi trả thì rất khó khăn.
Thứ hai là chi trả thuận lợi và bệnh nhân BHYT không bị phân biệt đối xử. Khám BHYT nhiều khi rất chậm trễ, hiện tượng này không phải phổ biến nhưng cũng có, chỗ này cũng cần khắc phục.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu
Việc thanh quyết toán không có khó khăn, chậm trễ gì cả. Cơ quan bảo hiểm xã hội thông qua hợp đồng thanh toán với bệnh viện, học sinh, sinh viên cũng như những người bệnh có thể đến bệnh viện là được bệnh viện thanh toán, không phải thu tiền phần Quỹ BHYT chi trả. Cho nên đây không có thủ tục chậm gì cả, cơ quan bảo hiểm không tổ chức thanh toán cho người tham gia, trừ trường hợp đặc biệt, còn cơ bản chúng tôi thông qua bệnh viện.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN