Đề phòng rắn độc cắn trong mùa mưa lũ

08:29 - 22/11/2023

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 5,4 triệu người bị rắn cắn, trong đó khoảng gần 140 nghìn người tử vong.

Đề phòng rắn độc cắn trong mùa mưa lũ

 

Rắn độc cắn có thể nguy hại đến sức khỏe, tính mạng con người

BS.CKI Đoàn Quốc Duy, Phó trưởng khoa, Phụ trách Khoa Bệnh truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, khi môi trường sống của loài rắn không thuận lợi như lũ lụt, khô hanh, hạn hán hoặc môi trường tự nhiên bị lấn chiếm, xâm phạm… chúng sẽ vào nhà tìm nơi trú ngụ, tìm nguồn nước, thức ăn như chuột, gà, trứng,… hoặc khi bị tấn công chúng sẽ phản ứng cắn lại.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 15-20 trường hợp bị rắn cắn, đa phần là nhóm rắn lục đuôi đỏ và rắn hổ mèo. Người bị rắn cắn chủ yếu là ở ngoài rừng hoặc ở vườn cây, kế đến là nhóm người đi săn bắt rắn, buôn bán rắn, chế biến các món ăn từ rắn hoặc trong quá trình buôn bán vận chuyển rắn… trong đó cũng có không ít trường hợp bị rắn cắn tại nhà.

Điển hình như ông V.V.Đ. (41 tuổi, ngụ tại xã Phú Xuân, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) khi con nhỏ đang chơi thì nhìn thấy rắn bò vào sân, cháu bé hoảng sợ la lớn, ông thấy một con rắn hổ mèo khá to nên đã lấy cây đuổi đánh, chẳng may bị rắn cắn vào mu bàn tay phải, ông liền đập chết con rắn và mang theo khi nhập viện.

Do không rửa vết thương hay thực hiện bất cứ biện pháp sơ cứu nào nên chỗ vết cắn bắt đầu đau nhức, tê tay, sưng phồng và ông Đ. rơi vào trạng thái lơ mơ trước khi nhập viện. Qua nhiều ngày tích cực điều trị giải độc, đến nay sức khỏe và vết thương của bệnh nhân mới ổn định trở lại.

Bác sĩ Duy cho hay, vào mùa mưa lũ, có rất nhiều loại rắn độc xuất hiện tại các vườn cây, bụi rậm hoặc có khi vào nhà dân để trú ngụ, kiếm ăn, nọc độc của nó có thể nguy hiểm đến tính mạng con người như: Rắn lục xanh đuôi đỏ, Chàm Quạp, Sải cổ đỏ có thể gây rối loạn đông máu, hoại tử mô; Cạp Nia, Cạp Nong, Hổ mang chúa, Hổ đất thì gây độc thần kinh, liệt cơ; đặc biệt loại rắn Hổ mèo thì gây độc thần kinh, liệt cơ và hoại tử mô.

Xử trí khi bị rắn cắn

Theo bác sĩ Duy, nếu không may bị rắn cắn thì sơ cứu vết thương là vô cùng quan trọng, vì vậy trước hết hãy quan sát vết rắn cắn để nhận biết có bị rắn độc cắn hay không. Nếu là rắn độc thì thường có hai răng độc lớn. Khi rắn cắn, răng sẽ truyền độc vào vùng da của nạn nhân và để lại vết răng đặc trưng. Người bị rắn độc cắn thường để lại ít dấu răng ở vết cắn nhưng sẽ có 2 vết răng nanh. Khi quan sát sẽ thấy mỗi vết cắn của răng nanh cách nhau khoảng 5mm và một số vết răng nhỏ. Còn rắn không độc là khi vết cắn của cả 2 hàm răng để lại những chấm nhỏ hình vòng cung và không có vết răng nanh.

Nếu xác định bị rắn độc tấn công, cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra khỏi nơi rắn cắn hoặc nơi rắn thường ẩn nấp. Sau đó liên hệ dịch vụ cấp cứu khẩn cấp tại cơ sở y tế gần nhất, cố định chi bị cắn, hạn chế vận động để làm giảm tốc độ di chuyển của nọc độc về tim. Cởi bỏ đồ trang sức (nếu có), nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép, vì vết thương có thể bị sưng lên. Có thể làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc rửa bằng xà phòng và nước sạch, sau đó, dùng một miếng gạc khô và sạch (nếu có) để băng vùng bị cắn. Nếu có thể, hãy kiểm tra thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim và huyết áp của nạn nhân.

Không nên cố gắng bắt con rắn, hãy quan sát và ghi nhớ đặc điểm, hình dạng con rắn để mô tả cho người có chuyên môn, tuyệt đối không rạch vết thương để hút nọc độc hoặc garo động mạch vì sẽ làm nặng thêm tình trạng nhiễm độc và gây tổn thương, nhiễm trùng nặng hơn.

Triệu chứng và cách phòng tránh rắn cắn

Hầu hết các nạn nhân sau khi bị rắn độc tấn công sẽ có một số biểu hiện chung sau: Tại vùng bị cắn có cảm giác đau rát, có thể sưng, tấy đỏ, chảy máu và bầm tím, nổi phỏng nước xung quanh vết cắn. Đôi khi sẽ lan rộng ra các vùng xung quanh và gây nhiễm trùng, hoại tử da. Có thể buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, sưng môi, lưỡi và nướu, cảm giác cơ thể yếu dần, tinh thần lú lẫn, nhịp tim không đều,…

Bác sĩ Duy khuyến cáo, để tránh bị rắn cắn, người dân cần lưu ý một số điều sau đây: Trước hết, nên tránh xa các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rơm rác, đống gỗ, tổ mối, hốc đá…; khi làm việc hoặc di chuyển ở những vùng có rừng cây bụi rậm nên đội nón rộng vành, đi ủng hoặc giày cao cổ và mặc quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đi ở khu vực nhiều cây cỏ, đầm lầy. Khi di chuyển vào nơi có cây cỏ rậm rạp nên dùng cây đánh động để xua đuổi rắn trước. Nên dùng đèn khi đi ban đêm. Nếu gặp rắn, nên di chuyển nhẹ nhàng, tránh kích động rắn, không nên đe dọa rắn, bẫy rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín, tuyệt đối không dùng tay bắt rắn.

Hãy cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm. Không nằm ngủ trên nền đất kể cả trong nhà; ở vùng miền núi, thôn quê, đêm ngủ nên mắc mùng và chèn mùng cẩn thận để tránh rắn bò vào trong giường. Không để trẻ em chơi gần khu vực có nguy cơ rắn ẩn nấp; không đưa tay vào các hang hốc, bụi cỏ nếu không nhìn rõ; không tắm ở sông, hồ, ao và thận trọng khi lội nước vào ban đêm; đặc biệt không bắt rắn, trêu rắn hoặc chơi với rắn.

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

sctvonline Trang tin nhịp sống hôm nay
scj-shopping Truyền hình cáp SCTV

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...