Đây chủ yếu là những phế liệu, dụng cụ trước đây được dùng để phục vụ nuôi trồng thủy sản của ngư dân. Tuy nhiên, sau bão số 3, hàng nghìn tấn rác thải này lại lênh đênh trên biển, trôi dạt vào vùng vịnh Hạ Long, mắc lại quanh các núi đá, bờ cát và đang uy hiếp môi trường di sản thiên nhiên thế giới.
Điều đáng nói, trong vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, không có khu vực nuôi trồng thủy sản, các điểm bán hàng đều sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường, thế nhưng lượng phao xốp, bè gỗ, chai nhựa, túi ni lông… liên tục trôi vào.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), sau bão số 3, tại các điểm tham quan, đơn vị đã thu gom gần 70 bè tre, hàng trăm khối rác thải các loại như cành, lá cây, phao xốp, rác thải sinh hoạt… Tuy nhiên, việc thu gom rác vẫn bằng phương pháp thủ công nên "sức người có hạn"; trong khi đó, riêng vùng lõi vịnh Hạ Long đã rộng hơn 300 km. Nếu tiếp tục thu gom bằng phương pháp hiện nay thì không bao giờ xuể.
Thời gian tới, Ban Quản lý vịnh Hạ Long tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành thu gom rác thải trên biển trôi dạt vào các điểm tham quan gây phản cảm đối với du khách.
Hồi năm 2023, hàng triệu tấm phao xốp trôi nổi trên biển rồi phủ kín vịnh Hạ Long. Đây là các tấm phao xốp được vứt bỏ vô tội vạ sau khi chính quyền địa phương yêu cầu chuyển đổi từ phao xốp, sang phao nhựa. Thay vì thu gom, ngư dân thả trôi trên biển mặc kệ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tự thu gom, xử lý.
Từ sự cố này, 2 năm sau đó, vịnh Hạ Long để lại ấn tượng xấu với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc thì lượng rác thải mới cơ bản được dọn sạch. Đến nay, thêm một lần nữa Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long lại đối mặt với thảm họa môi trường mới.