Theo lộ trình cam kết, đến tháng 6.2020, nhà máy sẽ đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng.
Căn cứ Thông báo số 173 của UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 29.6.2023, Sở KH- ĐT Bình Thuận ban hành công văn yêu cầu Công ty TNHH Nhật Hoàng khẩn trương, tích cực phối hợp UBND TP.Phan Thiết và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục về môi trường, nghiệm thu nhà máy rác đủ điều kiện để đưa vào hoạt động trong tháng 9.2023.
“Đến thời hạn trên mà công ty chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý và không đưa nhà máy đi vào hoạt động, Sở KH-ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư dự án theo quy định và không giải quyết bất cứ lý do nào của công ty”, một lãnh đạo Sở KH- ĐT Bình Thuận cho biết.
Theo Sở KH-ĐT Bình Thuận, do vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư, cuối năm 2022, Sở KH-ĐT đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện nay nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH Nhật Hoàng mới tiến hành đầu tư xây dựng được một số hạng mục như cổng tường rào, nhà bảo vệ, nhà tiếp nhận, công nghệ tách tuyển rác, nhà chứa rác độc hại, nhà ở công nhân…. Từ tháng 8.2020, công ty đã thực hiện việc chạy thử, hiệu chỉnh máy móc, dây chuyền sản xuất và nhận rác để vận hành thử. Tuy nhiên, đến tháng 1.2021 thì dừng hoạt động cho đến nay.
Mặt khác, ngoài các thủ tục về đầu tư, xây dựng thì dự án nhà máy rác của Công ty TNHH Nhật Hoàng vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép về môi trường.
Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải ở TP.Phan Thiết, hiện nay, mỗi ngày, cả TP.Phan Thiết tồn tại khoảng 400 tấn rác thải. Do chưa có nhà máy xử lý rác nên lượng rác thải trên đều tập trung về bãi rác Bình Tú (ngay cạnh dự án nhà máy rác) để chôn và đốt. Bãi rác Bình Tú đã bị đóng cửa từ 2 năm nay nhưng vẫn phải chứa hàng nghìn tấn rác thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc này khiến người dân bức xúc, liên tục phản ánh thế nhưng TP.Phan Thiết vẫn chưa có giải pháp xử lý.