Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo cấp Bộ 5 nước tiểu vùng sông Mê Kông, gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự của ông Ekkaphab Phanthavong, Phó tổng thư kí thư ký ASEAN về Văn hóa – Xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị khẳng định, Việt Nam cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được quan tâm hàng đầu. Đồng thời, Việt Nam kêu gọi sự hợp tác toàn diện của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, sự chung tay của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế để cùng nhau hành động vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong sạch, phát triển bền vững.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng ASEAN (ASMC), tình trạng nắng nóng có thể sẽ kéo dài trong thời gian tới, nhiệt độ có thể cao hơn mức bình thường. Do vậy, các quốc gia cần tiếp tục giám sát thận trọng và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tức thời để giảm thiểu cháy rừng, cháy đất cũng như tình trạng khói mù xuyên biên giới trong suốt mùa khô.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ các sáng kiến trong giảm thiểu cháy rừng, cháy đất và kiểm soát ô nhiễm khói mù trong mùa khô. Đánh giá cao các nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước tiểu vùng sông Mê Kông trong việc thực hiện, cập nhật các kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống, kiểm soát, cảnh báo sớm cháy rừng. Đồng thời ghi nhận tích cực sự hợp tác song phương giữa các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông và hướng đến sự hợp tác hơn nữa trong tương lai.
Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình định hướng hành động, cũng như vai trò của cộng đồng địa phương trong việc phòng chống, kiểm soát, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Đồng thời đưa ra lộ trình thứ hai về hợp tác ASEAN hướng tới kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và các biện pháp thực hiện; Chiến lược quản lý đất than bùn ASEAN lần thứ hai cũng như khung đầu tư ASEAN để quản lý đất bền vững không khói mù.
Hội nghị cũng đã thỏa thuận thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và kỳ vọng Trung tâm sẽ vận hành có hiệu quả. Các đại biểu cũng mong muốn có đánh giá giữa kỳ thực hiện lộ trình để kiểm tra tiến độ và duy trì động lực đảm bảo đạt được mục tiêu ASEAN không khói mù vào năm 2030…
Tạị hội nghị, các đại biểu cũng ghi nhận Báo cáo nghiên cứu về tác động của khói mù tới kinh tế, sức khỏe và xã hội được quốc gia thành viên Hiệp định Asean về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới thông qua vào năm 2017 đã đưa ra các chỉ số cơ bản về tác động của khói mù tới sức khỏe con người, nền kinh tế và xã hội. Các Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần thực hiện những nghiên cứu toàn diện hơn để nâng cao hiểu biết sâu về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông thực hiện Hiệp về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới là hoạt động định kỳ tổ chức hàng năm trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định ASEAN về Kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được tổ chức luân phiên tại các quốc gia thành viên thuộc tiểu vùng sông Mê Kông đã được quy định trong Hiệp định được ký từ năm 2002.
Hội nghị lần thứ 12 cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông tham gia Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới sẽ được diễn ra tại Campuchia vào năm 2023.
Chia sẻ bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, cho biết biến đổi khí hậu dẫn đến lượng mưa ít hơn ở Đông Nam Á, nắng nóng khốc liệt và kéo dài hơn trong những năm gần đây, đồng thời làm tăng sự lan rộng của các đám cháy tự nhiên hoặc do nông dân đốt cỏ để dọn đất trồng dầu cọ và cao su ở các nước. Đông Nam Á đã từng trải qua tình trạng khói mù nghiêm trọng xuyên biên giới là vào năm 2015.
Theo Thứ trưởng, do phát triển kinh tế xã hội cộng với đó người dân khu vực gần rừng còn khó khăn dẫn đến tình trạng đốt rừng, đồng cỏ để trồng cây cọ lấy dầu ở một số nước, những năm gần đây hàng loạt đám cháy rừng tại Indonesia đã khiến lượng lớn khói bụi phủ khắp Malaysia, Singapore và thậm chí ảnh hưởng đến cả chất lượng không khí ở Việt Nam.
Hội nghị lần này tập trung vào các mục tiêu chính bao gồm: Đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về Kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong khu vực; thảo luận về các nội dung hợp tác mới; đồng thời kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong khu vực sông Mê Kông trong thời gian tiếp theo.