Cá heo nước ngọt sông Mekong tên khoa học là Orcaella brevirostris, được biết đến như biểu tượng của dòng sông Mekong, thậm chí người Campuchia còn coi nó như “Báu vật sống của quốc gia”.
Cá heo Irrawaddy được tìm thấy ở ba con sông ở châu Á gồm sông Ayeyarwady (Myanmar), sông Mahakam (Indonesia) và sông Mekong. Đây cũng là loài cá được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phân loại là loài cực kỳ nguy cấp, cần phải bảo tồn.
Cá heo Irrawaddy là biểu tượng cho sự hùng vĩ của dòng sông Mekong. Ở Việt Nam, nhiều người dân có cuộc sống gắn liền với sông nước ở độ tuổi 60 – 70 vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về loài cá này được gọi thân mật là “ông Nược” hay “cá Ông”. Nhiều người có chung nhận định: Đây là loài cá thân thiện với con người vì chúng thường bơi theo ghe xuồng di chuyển trên sông và đùa vui với họ.
Tuy nhiên, số lượng cá heo nước ngọt đã suy giảm nhanh chóng, thậm chí đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Từ năm 2010, với sự vào cuộc của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, loài cá này mới dần khôi phục. Cuộc khảo sát năm 2020 cho kết quả ước tính chỉ còn khoảng 89 cá thể trưởng thành, vẫn hiện diện trên đoạn sông Mekong dài 180 km ở Campuchia. Chúng tập trung ở 8 vực nước sâu trên đoạn sông Mekong kéo dài từ phía bắc tỉnh Kratie đến tỉnh Stueng Treng.
Một số hình ảnh về đàn cá heo nước ngọt trên sông Mekong mới chào đón thêm thành viên mới
Trong nhiều thập kỷ qua, cá heo Irrawaddy Mekong đã phải đối mặt với các mối đe dọa như mắc vào lưới đánh cá của ngư dân, dòng chảy sông bị gián đoạn do các con đập ở thượng nguồn, đánh bắt quá mức và sử dụng các phương pháp đánh bắt gây tổn hại như đánh cá bằng điện.
Những năm gần đây, các nhà bảo tồn ghi nhận số cá heo con được sinh ra trung bình từ 5 – 12 con/năm; bên cạnh đó số lượng cá heo chết giảm giúp công tác bảo tồn loài cá mang tính biểu tượng đạt được những kết quả tích cực. Thay vì đánh bắt, người dân khu vực này đã thu lợi bằng dịch vụ du lịch ngắm cá heo.