Sở GTVT TP.HCM đang đề xuất UBND TP cân đối vốn ưu tiên thực hiện sớm tuyến đường trên cao từ nút giao Trạm 2 đến ngã tư An Sương và dự án đường trên cao theo trục Trường Chinh - Cộng Hòa ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Trong đó, tuyến từ nút giao Trạm 2 đến ngã tư An Sương là tuyến đường trên cao số 5 theo quy hoạch đã được phê duyệt từ 2013, với tổng vốn hơn 15.400 tỉ đồng. Tuyến đường dài 21,5 km, 4 làn xe, đi trùng trên cao QL1, khi hình thành sẽ góp phần giảm kẹt xe những tuyến hiện hữu như QL1, Cộng Hòa, Trường Chinh...
Tuyến đường trên cao theo trục Trường Chinh - Cộng Hòa ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất dự kiến dài 11,2 km, 4 làn xe, từ ngã tư An Sương nối đến khu vực sân bay, vốn đầu tư gần 12.000 tỉ đồng.
Ủng hộ việc đầu tư mạng lưới đường trên cao, đặc biệt tại các khu vực cửa ngõ, PGS-TS Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho rằng: "Mạng lưới đường trên cao kết nối, liên thông sẽ hỗ trợ rất tốt giải quyết giao thông ở các trục cửa ngõ có lưu lượng xe cộ lớn. Giải tỏa giao thông, TP sẽ xóa được điểm nghẽn thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển".
Giải quyết căn cơ tình trạng kẹt xe
Nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ thực hiện sớm các dự án nói trên. "Lợi ích của đường trên cao là quá rõ ràng, nếu áp dụng trong nội đô TP.HCM. Điều này đến người dân bình thường như tôi cũng còn có thể thấy huống chi là các chuyên gia", BĐ Đình bày tỏ.
"Nhờ đường trên cao có thể sẽ giảm được kẹt xe, ai muốn đi nhanh thì lên đường trên cao mà chạy. Đáng lý ra đường trên cao phải làm từ lâu rồi. Chúng ta lo giải tỏa làm đường cho rộng mà có giao cắt giao thông thì cũng không giảm được kẹt xe", BĐ Bao Nguyen Thien bổ sung.
BĐ Hiếu.hct phân tích: "Tới giờ cao điểm xe đông dần, chạy chậm, gặp đèn đỏ phải dừng, khi đèn xanh chạy chưa được bao nhiêu chiếc xe thì lại gặp đèn đỏ. Xe bị dồn lại, nhích lên từng chút, nối đuôi nhau trên đoạn đường dài. Mở rộng đường hai bên thì quá tốn kém, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng kẹt xe khi mật độ phương tiện tăng. Làm thêm đường trên cao, giúp giảm mật độ xe lưu thông ở đường bên dưới là hợp lý, hiệu quả nhất".
Quyết tâm xây dựng đường trên cao
Về khả năng kết nối các đầu mối giao thông, sân bay, cảng biển, tách được lưu thông nội đô với liên tỉnh, liên vùng của đường trên cao, BĐ Tâm Ng nhìn nhận: "Nhìn từ thực tế các cầu vượt giúp tải lượng lớn xe cộ qua nhiều nút giao ở TP.HCM, có thể hình dung đường trên cao sẽ hiệu quả đến cỡ nào. Xe chạy trên những con đường trên cao vành đai hoặc có xuyên tâm để đi liên tỉnh thì đều khác mức với xe trong nội đô, nên sẽ thông suốt, nhanh chóng".
BĐ còn đề xuất làm đường trên cao rộng và nhiều tầng: "Làm đường trên cao thì quy hoạch với thiết kế không chỉ 2 tầng mà có thể lên đến 3 - 4 tầng luôn. Sau này số lượng ô tô tăng lên không đủ chỗ mà đi đâu, phải thiết kế lại, thiết kế bổ sung gây tốn kém", theo BĐ Hồng Trần.
BĐ Thanh Tran nêu quan sát và đề nghị: "Do lịch sử hình thành, hệ thống giao thông của các thành phố lớn ở nước ta có quá nhiều giao lộ gần nhau dẫn đến giao thông bị chia cắt, gây kẹt xe. Việc mở các cầu vượt chỉ là giải pháp tạm thời, tuy đã phát huy một phần tác dụng nhưng cũng chỉ giải quyết cục bộ, tránh kẹt chỗ này thì kẹt nơi khác. Đường trên cao là giải pháp cấp bách để giải tỏa ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Việc này không có gì mới, các nước họ đã làm từ lâu rồi và đã chứng minh được hiệu quả. Các dự án đường trên cao cần được ưu tiên, sự quyết tâm và có kế hoạch thực hiện xuyên suốt".
Mở rộng đường hiện hữu thì bất khả thi, đi ngầm xuống đất thì cũng chỉ có tàu điện. Đường trên cao là con đường khả quan giải quyết tình trạng quá tải giao thông ở thành phố.
Quan Ke
Tôi thấy Hà Nội có đường Vành đai 3 chạy trên cao từ cầu Thăng Long về đến cầu Thanh Trì. Nếu TP.HCM có đường trên cao như thế từ Suối Tiên về đến Bình Chánh thì tốt biết mấy.
H.Son