Không miễn giảm học phí những trường hợp quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thông báo tạm thu học phí năm học 2023-2024. Theo thông báo này, chương trình đại trà bậc ĐH hệ chính quy áp dụng cho sinh viên khóa 2022 trở về trước từ 11.750.000 đến 14.250.000 đồng/học kỳ. Với sinh viên khóa 2023, trường áp dụng mức thu từ 13.000.000 đến 16.250.000 đồng/học kỳ.
Chương trình chất lượng cao, học phí cam kết không thay đổi trong toàn khóa học. Theo đó, các khóa từ năm 2022 trở về trước, học phí từ 14-17,5 triệu đồng/học kỳ tùy chương trình, khối ngành và khóa tuyển sinh; khoá 2023 học phí sẽ từ 20,8 đến 26,1 triệu đồng/học kỳ.
Đáng chú ý, học phí trường công bố đã gồm tiền học tiếng Anh. Đối sinh viên khóa từ năm 2022 trở về trước, các trường hợp quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ được giảm 50% học phí. Từ khóa 2023, trường không miễn giảm học phí những trường hợp quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ.
Với quy định mới này, sinh viên từ khóa 2023 có chứng chỉ ngoại ngữ quy đổi chuẩn đầu ra, không tham gia học phần ngoại ngữ do trường tổ chức vẫn phải nộp học phí.
Theo lý giải của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đối với sinh viên thuộc khóa trúng tuyển năm 2023, tiền học phí là trọn gói dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật của nhà trường, trong đó có học phần tiếng Anh. Các khóa từ năm 2022 trở về trước, trường cũng tổ chức các lớp học phần này và vẫn phải trả chi phí để duy trì lớp học theo đúng tiến độ, trả lương đầy đủ cho các thầy cô. Do đó, sinh viên có chứng chỉ được ưu tiên miễn thi nhưng vẫn phải nộp tiền giống như tất cả các học phần khác trong chương trình đào tạo.
Hai cách tính học phí khác nhau với học phần ngoại ngữ
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, các trường ĐH hiện có 2 cách tính học phí khác nhau với học phần ngoại ngữ. Cách tính này tùy thuộc vào việc tính học phí trọn gói toàn chương trình gồm chi phí đào tạo tiếng Anh cho sinh viên hay tách riêng học phí chương trình chính khóa và các học phần điều kiện (trong đó có tiếng Anh, giáo dục thể chất, giáo dục-quốc phòng-an ninh).
Trong đó, chỉ có một số ít trường đưa học phần ngoại ngữ làm môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa. Khi đó, học phí được thu trọn gói, sinh viên dù học hay không vẫn phải đóng học phí học phần này (như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM).
Ngược lại, phần lớn các trường ĐH tách học phí chương trình chính khóa và học phí học tiếng Anh. Khi đó, trường chấp nhận miễn điểm với những sinh viên có trình độ ngoại ngữ đáp ứng chuẩn ngoại ngữ theo quy định. Các sinh viên này có thể nộp chứng chỉ ngoại ngữ hoặc được đánh giá kết quả thông qua kỳ kiểm tra sát hạch ngoại ngữ đầu vào do trường tổ chức. Khi đó, trường không bắt buộc sinh viên phải tham gia học phần ngoại ngữ và không phải nộp học phí. Ngược lại, những sinh viên chưa đủ điều kiện ngoại ngữ phải tham gia các lớp học do trường tổ chức để đạt chuẩn đầu ra và nộp học phí học phần này theo quy định, như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Việt Đức…
Hay Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thông báo với người học ngay từ đầu khóa học về mức học phí tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 chương trình chính quy chuẩn ở mức 4,5 triệu đồng. Theo đại diện nhà trường, học phí này không bắt buộc với tất cả sinh viên mà thuộc học phần tự chọn. Với sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh hoặc đạt điểm sau kỳ kiểm tra xếp lớp của trường, thì không cần tham gia học và trường không thu học phí với các sinh viên này.
Trường ĐH Kinh tế-luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng quy định, sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào và được xếp lớp theo điểm tương ứng. Sinh viên có chứng chỉ đạt mức chuẩn đầu ra theo quy định của trường được công nhận đạt chuẩn đầu ra và không bắt buộc tham gia các học phần ngoại ngữ theo quy định trong chương trình học. Ngược lại, sinh viên phải tham gia các lớp học và đóng học phí theo quy định của trường.