Theo ông Phong, vài năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỉnh Quảng Bình miễn thu học phí, nhưng bây giờ cần tính toán lại. Lý do, nhà nước hiện đã miễn giảm học phí đối với con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, nên nếu miễn giảm đại trà có nghĩa là miễn học phí cho con em các hộ khá, giàu.
“Điều này là bất hợp lý, vì việc đầu tư cho con cái học hành là trách nhiệm của các phụ huynh, nhất là khi họ không thuộc diện khó khăn”, ông Phong nói.
Lý do thứ hai, theo ông Phong, nếu tiếp tục miễn, giảm thu học phí thì không có kinh phí để tái đầu tư cho ngành giáo dục, trong hoàn cảnh tỉnh Quảng Bình chưa đủ năng lực tài chính để sử dụng ngân sách lo hết khoản học phí này.
“Việc này dẫn đến các trường học sẽ gặp khó khăn, tiền điện, tiền nước và nhiều khoản khác lấy đâu mà trả? Thành ra, các trường lại phải kêu gọi phụ huynh ủng hộ, thu nộp khoản này khoản nọ… lại gây nên những hệ lụy tiêu cực”, ông Phong phân tích.
Cũng theo ông Phong, dù không miễn giảm toàn bộ nhưng nếu cứ thu học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ thì hơi cao so với đời sống của nhân dân trong tỉnh. Trong khi đó, nếu hỏi ý kiến về việc thu học phí theo Nghị định 81 thì hầu hết phụ huynh sẽ mong muốn miễn, giảm 100% học phí.
Quảng Bình có 580 trường học, khoảng 18.000 giáo viên, 180.000 học sinh, vì thế mức thu học phí ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học. “Ngành giáo dục và tỉnh Quảng Bình đang hết sức cân nhắc về việc này, thậm chí ‘đau đầu’ và hiện chưa có phương án chính thức để trình HĐND tỉnh về mức thu học phí. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là rất mong sự chia sẻ của các phụ huynh, và việc thu học phí là cần thiết vì đó là trách nhiệm của phụ huynh khi đầu tư cho con em học tập”, ông Phong nói.